THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Trà Vinh: Mở rộng diện tích nuôi thủy sản dưới tán rừng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thông tin từ Sở NN&PTNT Trà Vinh, tình hình nuôi trồng thủy sản địa phương tương đối ổn định. Đáng chú ý, tại các xã có thế mạnh về rừng, ven biển, người dân áp dụng mô hình nuôi kết hợp thủy sản – rừng, cho hiệu quả kinh tế cao, vừa ổn định môi trường sinh thái.

Theo đó, đến ngày 15/8, sản lượng thủy sản đã thu hoạch trên địa bàn tỉnh là 160.987 tấn các loại, đạt 65,73% kế hoạch năm (cao hơn cùng kỳ 2.907 tấn); trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản là 128.613 tấn, đạt 66,95% kế hoạch năm (cao hơn cùng kỳ 2.425 tấn), gồm một số đối tượng chính như: tôm sú 7.771 tấn, tôm thẻ chân trắng 61.961 tấn, cua biển 3.981 tấn, cá lóc 39.303 tấn, tôm càng xanh 1.537 tấn…

Nuôi thủy sản dưới tán rừng là mô hình bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Người dân đã thả nuôi khoảng 5,8 tỷ con tôm giống, cá giống các loại, diện tích 52.972 ha, đạt 88,61% kế hoạch năm (cao hơn cùng kỳ 442 ha); thu hoạch 128.613 tấn. Tôm sú đã thả nuôi trên 1,073 tỷ con giống, diện tích 22.156 ha, đạt 94,28% kế hoạch năm; thu hoạch 7.771 tấn, đạt 56,93% kế hoạch năm; tôm thẻ chân trắng, thả nuôi 4,31 tỷ con giống, diện tích 6.275 ha, đạt 81,5%; trong đó, nuôi thâm canh mật độ cao 2,18 tỷ con, diện tích 1.802 ha (tăng gấp 1,94 lần so cùng kỳ); thu hoạch 61.961 tấn, đạt 74,13% kế hoạch; cua biển, thả nuôi 124,32 triệu con giống, diện tích 21.260 ha, đạt 92,43% kế hoạch; thu hoạch 3.996 tấn, đạt 61,32% kế hoạch.

Đáng chú ý, ở địa bàn các xã có thế mạnh về rừng, ven biển, người dân đã mạnh dạn áp dụng mô hình tôm – rừng, vừa ổn định môi trường sinh thái vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Thông tin từ Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 5%/tổng diện tích nuôi thủy sản được nông dân áp dụng nuôi theo hình thức rừng – tôm, nhiều nhất là ở huyện Duyên Hải và một phần của thị xã Duyên Hải. Ngoài ra, tại các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành cũng đã tổ chức nuôi kết hợp tôm – rừng cùng một số loài cá sống vùng nước mặn và lợ. Tỉnh còn có hơn 5.120 ha rừng giao khoán chăm sóc, bảo vệ được người dân và các tổ chức nhận khoán nuôi kết hợp tôm, cá, vọp, sò huyết, cua biển dưới chân rừng đem lại nguồn thu nhập khá cao. Bình quân mô hình sản xuất rừng – thủy sản đem lại cho nông dân nguồn lãi ròng từ 120 – 130 triệu đồng/ha/năm.

Theo người dân, nuôi tôm, cua dưới tán rừng rất nhẹ công chăm sóc, chi phí thức ăn không nhiều do tận dụng nguồn thức ăn trong môi trường nước tự nhiên; tôm nuôi phát triển khỏe mạnh, ít bệnh. Tôm thương phẩm rất dễ tiêu thụ, do các đại lý thu mua tại địa phương hoặc nhà máy chế biến tại tỉnh đều rất ưa chuộng tôm sạch.

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết: “Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân giữ vững diện tích nuôi kết hợp thủy sản – rừng và tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rừng nuôi kết hợp thủy sản này. Tỉnh quy hoạch hơn 23.980 ha đất vùng ven biển để bố trí phát triển diện tích rừng khoảng 12.250 ha, diện tích còn lại gần 11.730 ha bố trí dành cho nuôi trồng thủy sản”.

Đi đôi với hiệu quả kinh tế là hiệu quả về môi trường, khi diện tích rừng của địa phương được khôi phục và không ngừng phát triển. Nhờ người dân vùng ven biển cùng chính quyền địa phương tích cực trồng và bảo vệ nên từ năm 1996 đến nay, diện tích rừng ở Trà Vinh phát triển thêm gần 4.700 ha. Toàn tỉnh hiện có 9.620 ha rừng, với tỷ lệ che phủ đạt 4,1% diện tích; trong đó, diện tích rừng sản xuất khoảng 3.800 ha. Tỉnh đặt mục tiêu đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh 4,2% vào năm 2025.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!