Liên tiếp trong 03 niên vụ mía vừa qua (từ 2021 – 2022 đến 2023 – 2024) với giá mía cây nguyên liệu tăng cao; cùng với đó, Nhà máy Mía đường Trà Vinh (Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh) thực hiện hợp đồng thu mua, bao tiêu giá và hỗ trợ các chính sách cho người trồng mía trong hợp đồng… Bình quân, người trồng mía ở huyện Trà Cú đạt lợi nhuận từ 45 – 50 triệu đồng/ha/vụ.
Vùng nguyên liệu mía ở ấp Vàm, xã Lưu Nghiệp Anh.
Vụ mía niên vụ 2023 – 2024, huyện Trà Cú xuống giống và thu hoạch dứt m 1.204ha, đạt tổng sản lượng 132.292 tấn; năng suất bình quân 110 tấn/ha. Niên vụ mía 2024 – 2025, nông dân huyện Trà Cú đã xuống giống 1.211,3ha, đạt 96,9% kế hoạch (1.250ha). Diện tích mía xuống giống tập trung nhiều ở xã Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn, An Quảng Hữu…
Theo đồng chí Hồng Văn Thống, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: với giá mía tăng và các chính sách hỗ trợ từ Nhà máy Mía đường Trà Vinh đã tạo điều kiện cho nông dân ở các vùng mía nguyên liệu trước đây có sự đầu tư tốt hơn cho cây mía. Riêng trong vụ mía năm nay, đã có trên 10ha đất trồng mía trước đây khi giá mía xuống thấp được chuyển sang trồng lúa, cỏ… nay được nông dân chuyển trở lại trồng mía.
Cũng theo đồng chí Hồng Văn Thống, đối với các diện tích mía chuyển sang nuôi thủy sản đã không còn hiệu quả; nông dân sẽ khó thực hiện chuyển đổi được, do không có đất san lấp và chi phí đầu tư rất lớn (10 – 15 triệu đồng/1.000m2)…
Được biết, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú là vùng có diện tích nguyên liệu mía khá lớn; khi giá mía giảm, nông dân chuyển đổi sang nuôi thủy sản (chiếm trên 60% diện tích từ cây mía).
Theo đồng chí Dư Sê Tha, cán bộ phụ trách Môi trường – Nông nghiệp xã Kim Sơn: niên vụ mía 2023 – 2024, trên địa bàn xã có trên 490ha mía được nông dân sản xuất; bình quân năng suất đạt 110 tấn/ha. Dự kiến trong niên vụ mía 2024 – 2025, diện tích trồng mía trong nông dân sẽ tăng lên trên 510ha, các diện tích được mở rộng sang cây mía từ các diện tích trồng lúa, cỏ và đất trống… tập trung ở các ấp Trà Cú A, Trà Cú C, Bảy Xào Giữa, Bảy Xào Chót.
Anh Giang Săng Thê, ngụ ấp Bảy Xào Chót, xã Kim Sơn cho biết: gia đình có hơn 01ha đất trồng mía và “bám” cây mía gần 30 năm nay. Người trồng mía khá thăng trầm, do khu vực đất của gia đình không thể chuyển đổi sang các cây trồng khác nên phải giữ lấy cây mía. Từ năm 2022 đến nay, cây mía có giá, gia đình cũng có thu nhập ổn định; riêng vụ mía 2023 – 2024, gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng.
Qua ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, với diện tích vùng nguyên liệu mía của huyện Trà Cú (khoảng 1.200ha) sẽ khó đảm bảo nhu cầu hoạt động của Nhà máy mía đường Trà Vinh do thiếu hụt về nguồn nguyên liệu (mía cây). Trước thực trạng trên, những niên vụ mía vừa qua, Nhà máy Mía đường Trà Vinh đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển, khôi phục diện tích trồng mía trong nông dân; như: bao tiêu giá theo hợp đồng; hỗ trợ đất chuyển đổi sang trồng mía; hỗ trợ thêm cho hộ trồng mía trong hợp đồng có sản lượng vượt hợp đồng…
Được biết, trong niên vụ mía 2024 – 2025, Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh thực hiện đầu tư cho các hộ dân trồng mía về giống mía, phân bón, chi phí làm đất, chi phí khai hoang, tiền thuê đất trồng mía từ 60 – 70 triệu đồng/ha (diện tích mía trồng mới, trồng lại); từ 30 – 40 triệu đồng/ha (diện tích mía lưu gốc) về phân bón, tiền chăm sóc mía; bảo hiểm giá mía tại ruộng. Công ty hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng khác, đất khai hoang sang trồng mía không hoàn lại là 03 triệu đồng/ha, hỗ trợ không tính lãi xuất đối với phân bón, giống mía, tiền làm đất. Ngoài ra, Công ty hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc mía, thu hoạch mía và vận chuyển mía cho nông dân khi thu hoạch.
Ông Lê Anh Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh cho biết: với việc đầu tư dây chuyền mới và nâng cao suất hoạt động của Nhà máy có thể ép 3.200 tấn mía nguyên liệu/ngày. Diện tích trồng mía tại tỉnh Trà Vinh, Công ty ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm khoảng 1.000ha với sản lượng thu hoạch khoảng 70.000 tấn. Nhưng hiện nay, nguồn mía nguyên liệu không đáp ứng đủ cho Nhà máy và thời gian hoạt động chỉ hơn 02 tháng là hết mía nguyên liệu.
Cũng theo ông Lê Anh Dương, hiện nay, Công ty còn có định hướng phát triển thêm vùng nguyên liệu mía ở các huyện lân cận và mong các địa phương hỗ trợ Công ty trong việc quy hoạch diện tích trồng mía nhiều hơn để có vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Nguồn: Báo Trà Vinh