(TSVN) – Theo Cục Thống kê Trà Vinh, tổng sản lượng thủy sản tháng 2 đạt 16.322 tấn, đạt 6,66% kế hoạch (cao hơn cùng kỳ 53 tấn). Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 9.619 tấn, tăng 1,80% so với cùng kỳ (nuôi nước ngọt 5.166 tấn, nuôi nước mặn, lợ 4.453 tấn); sản lượng khai thác đạt 6.705 tấn, giảm 1,72% so với cùng kỳ, giảm cả khai thác biển và khai thác nội địa.
Theo Chi cục Thủy sản Trà Vinh, diện tích nuôi thủy sản trong tháng 2 của tỉnh đạt 6.740 ha, lũy kế đến nay thả nuôi 13.167 ha, đạt 22,03% kế hoạch. So với cùng kỳ diện tích thả nuôi giảm 21,38% (tương đương 3.580 ha) do đầu vụ môi trường nước chưa ổn định, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển gây thiệt hại 6% lượng tôm giống thả nuôi.
Lực lượng chức năng Trà Vinh tuyên truyền ngư dân khai thác thủy sản đúng pháp luật. Ảnh: ST
Trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 9.588 lượt hộ thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 8.811ha; với 1,58 tỷ con giống. Trong đó có 5.287 lượt hộ thả nuôi tôm sú trên diện tích 6.794 ha (giảm 2.934 ha so với cùng kỳ), đạt 28,9% so với kế hoạch, với 269,4 triệu con giống; tôm thẻ chân trắng có 4.301 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 2.017 ha (tăng 327 ha so với cùng kỳ), đạt 26,2% so với kế hoạch, với 1,32 tỷ con giống.
Có 575 lượt hộ thả nuôi có tôm thiệt hại, với 142,64 triệu con giống (chiếm 10,23%) trên diện tích 191 ha (chiếm 8,27%). Tôm bệnh giai đoạn từ 07 – 40 ngày tuổi; trong đó, bệnh đốm trắng chiếm 30,8%, bệnh hoại tử gan tụy cấp chiếm 32,8%, bệnh đường ruột chiếm 15%, bệnh phân trắng chiếm 12,5%.
Trong công tác giám sát chủ động về phòng, chống dịch bệnh thủy sản, Chi cục Thủy sản Trà Vinh đã phối hợp với các đơn vị thực hiện thu mẫu tại các hộ nuôi và vùng nuôi trọng điểm kết quả phát hiện một số mẫu mang mầm bệnh đốm trắng, bệnh chết sớm, bệnh thủy tinh (TPD)…
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 881 tàu cá được đăng ký, tổng công suất 115.806 KW (trong đó có 276 tàu có chiều dài từ 15m trở lên) 100% tàu cá đang hoạt động đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trong khoảng thời gian nghỉ đón Tết, nhiều ngư dân đã tranh thủ đầu tư cải hoán, sửa chữa tàu cá, đồng thời thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản để đảm bảo an toàn khi ra khơi khai thác hải sản trong năm mới Giáp Thìn 2024.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 3/2024 có khả năng xuất hiện một vài đợt không khí lạnh gây ra gió mạnh, sóng lớn trên biển, ảnh hưởng đến các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân. Khuyến cáo, ngư dân cần trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo ản an toàn khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 65 km chiều dài bờ biển, nên có tiềm năng, thế mạnh về nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, đối với nghề đánh bắt thủy sản nhiều năm liền vẫn chưa phát triển đem hiệu quả kinh tế cao tương xứng tiềm năng.
Phần nhiều ngư dân trong tỉnh đánh bắt thủy sản theo cách truyền thống, do không có đủ nguồn vốn đầu tư hiện đại hóa phương tiện, nắm bắt làm chủ công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Để thực hiện được mục tiêu nâng cao hiệu quả nghề khai thác biển, tỉnh Trà Vinh đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng về xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ cho ngư dân, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án chế biến thủy sản…
Cùng với đó, tỉnh đang hỗ trợ về nguồn vốn vay cho ngư dân từng bước hiện đại hóa tàu cá, khai thác với công nghệ tiên tiến; đồng thời, ưu tiên phát triển các tổ hợp tác đánh bắt trên biển, hợp tác xã hậu cần nghề cá trên biển để kịp thời thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản theo chuỗi giá trị; đồng thời cung cấp hậu cần thiết yếu giúp các đội tàu bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang triển khai chương trình nâng cao hiệu quả nghề khai thác biển giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 100.000 tấn/năm, tăng 30.000 tấn so với năm 2021; góp phần đưa giá trị của toàn ngành thủy sản đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/năm.
Anh Vũ