Đến ấp Vũng Tàu, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) hỏi ai cũng biết ông Đỗ Vũ Thăng – người đầu tiên đưa con ba ba về vùng đất ngập mặn nghèo khó này. Việc nuôi thành công ba ba không những giúp ông có nguồn thu nhập khá cho gia đình mà còn là cơ hội giúp nhiều hộ dân trong vùng học tập làm theo, tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.
Cái duyên đến với nghề nuôi ba ba cũng thật tình cờ. Lúc đầu ông Thăng không biết gì về con ba ba nhưng vào đầu năm 2010, trong một chuyến thăm bạn bè, ông đã được tham quan mô hình nuôi ba ba hiệu quả. Sinh sống ở vùng đất nghèo thường xuyên ngập mặn, trong tiềm thức ông không lúc nào không nghĩ đến các hướng làm ăn. Vì vậy, đứng trước mô hình nuôi ba ba hiệu quả, trong đầu ông lóe lên ý nghĩ rằng ông sẽ nuôi thử xem thắng thua thế nào. Thế rồi, ông đã xin bạn con giống về đào ao nuôi thử nghiệm.
Qua một thời gian nuôi, thấy con ba ba phát triển tốt nên ông đã tận dụng đất quanh nhà đầu tư xây dựng lại ao nổi thật chu đáo. Để tránh thất thoát ba ba, ông xây dựng chung quanh ao bằng bể xi măng, dưới đáy ao rải một lớp bùn mỏng và lắp đặt hệ thống thoát nước. Ban đầu, còn rụt rè nên ông chỉ thả nuôi hơn 265 con ba ba giống trên diện tích ao nuôi khoảng 130 m2. Sau một năm, gia đình ông thu hoạch ba ba thương phẩm và bán được hơn 33 triệu đồng.
Nhờ tích cực hỏi kinh nghiệm nuôi từ bạn bè cũng như sách báo, các phương tiện truyền thông và đặc biệt tham gia nhiều lớp tập huấn do địa phương tổ chức, việc nuôi ba ba của ông ngày càng có tiến triển và lợi nhuận khá. Năm 2011, ông mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi và tăng thêm số lượng ba ba giống lên hơn 1.200 con ba ba. Đến nay, đàn ba ba phát triển tốt và chuẩn bị thu hoạch. Thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh đã đến liên hệ với ông để đặt hàng với giá 400.000 đồng/kg loại kích cỡ trên 1,4 kg/con.
Theo kinh nghiệm của ông, muốn nuôi ba ba lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, lãi nhiều thì phải lưu ý khâu thả giống. Trước khi thả giống, cần chuẩn bị ao bể nuôi đảm bảo chất nước và chất đáy sạch. Phải thả giống sớm để tranh thủ nuôi trong các tháng có nhiệt độ sinh trưởng thích hợp với ba ba. Cỡ giống thả nên thả từ 100 – 200 g/con. Trong một ao thả cùng cỡ chọn ba ba giống khoẻ mạnh, không mang mầm bệnh. Mật độ thả nuôi từ 1 – 5 con/m2. Ông Thăng nhấn mạnh, để nuôi hiệu quả phải theo dõi chặt chẽ và cần chú ý khâu thay nước thường xuyên để nguồn nước không bị ô nhiễm, dễ gây dịch bệnh, nếu thấy nước đóng rong nên xử lý bằng ure.
Ông cho biết thêm về kỹ thuật nuôi ba ba của mình, ông thường tận dụng các loại cá tạp, ốc… để làm thức ăn cho ba ba và ông thả thêm lục bình xung quanh ao để tạo bóng mát cho ba ba trú ẩn và giảm nhiệt độ cho môi trường ao nuôi khi nắng nóng. Ngoài ra, cần phải chú ý tới khâu cho ăn, quản lý chăm sóc và phòng bệnh tốt cho ba ba. Nếu nuôi tốt, sau 8 – 10 tháng nuôi, ba ba có thể đạt kích cỡ 0,6 – 1,2 kg/con, tỷ lệ sống 90 – 100%.
Anh Đặng Ngọc Tùng – Phó chủ tịch Hội nông dân xã Long Vĩnh, huyện Duyên hải cho biết, được sự quan tâm của Đảng uỷ và Uỷ ban nhân dân, Hội nông dân xã đã thường xuyên kết hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân về khuyến nông, khuyến ngư và thực hiện chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây, nuôi nhiều con giống có giá trị kinh tế cao. Đến nay đã hình thành các mô hình có hiệu quả cho kinh tế gia đình, điển hình là mô hình tận dụng đất quanh nhà nuôi ba ba của hộ ông Thăng.
Mô hình nuôi ba ba của hộ ông Đỗ Vũ Thăng cho thu nhập cao đã giúp giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây là mô hình đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng nhằm giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo.
Nguyễn Tân
|
Theo Khuyến Nông VN |