Trong số 5.580 hộ thả hơn 456 triệu con tôm sú giống trên diện tích gần 6.400 ha và gần 400 hộ thả nuôi gần 140.000 con tôm thẻ chân trắng, hiện có hơn 220 hộ nuôi tôm sú và 125 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, với lượng giống thả nuôi […]
Trong số 5.580 hộ thả hơn 456 triệu con tôm sú giống trên diện tích gần 6.400 ha và gần 400 hộ thả nuôi gần 140.000 con tôm thẻ chân trắng, hiện có hơn 220 hộ nuôi tôm sú và 125 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, với lượng giống thả nuôi khoảng hơn 50 triệu con.
Tôm nuôi bị chết đa phần do nhiễm bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh không có thuốc đặc trị. Tôm chết ở giai đoạn 25- 40 ngày tuổi, gây thiệt hại nặng cho người nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, mẫu tôm chết từ đầu vụ đến nay đa phần đều bị đốm trắng do ảnh hưởng lớn của môi trường và nhiệt độ. Qua kiểm tra ao nuôi có tôm bị chết , hầu hết nước trong ao không gây màu, đến khi tôm chết nước trong ao vẫn còn xanh. Chi cục đã lường trước việc này nên thành lập bốn tổ hỗ trợ kỹ thuật tại các địa phương ngay từ đầu vụ để giúp người nuôi nhưng vẫn trở tay không kịp với diễn biến của thời tiết và dịch bệnh.
Chi cục đang đẩy mạnh việc kiểm tra và quản lý chặt con giống nhập vào tỉnh, nếu có giấy kiểm dịch và kiểm định chất lượng con giống của địa phương, chi cục vẫn tiến hành kiểm tra lần nữa mới cho bán ra thị trường. Riêng việc sử dụng thuốc thú y thủy sản cũng là một trong những tác nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Để quản lý được vấn đề này, Chi cục đang chờ thông tư thực hiện Nghị định 07 về quản lý thuốc thú y thủy sản.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 200 công ty thuốc thú y thủy sản đang chào bán nhiều loại sản phẩm nên rất khó quản lý. Chi cục khuyến cáo bà con nên sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu, xuất xứ rõ ràng để tránh sử dụng phải hàng kém chất lượng. Ngoài ra, Chi cục đang lên kế hoạch tự xuất kinh phí đi lấy mẫu thức ăn gửi về các cơ quan chuyên môn xét nghiệm để kịp thời khuyến cáo người nuôi sử dụng.
Tại buổi làm việc với các ngành có liên quan và lãnh đạo bốn huyện ở vùng ngập mặn, ven biển gần đây về tình hình thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng năm 2013, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức việc chấp hành các quy định của chính quyền và ngành chuyên môn trong việc nuôi tôm – nhất là khâu xử lý nước thải.
Tăng cường các cán bộ kỹ thuật xuống bám cơ sở phối hợp cùng chính quyền địa phương nắm chắc từng hộ có tôm nuôi bị chết, tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý một cách có hiệu quả. Riêng đối với khu vực tôm nuôi bị chết, phải tiến hành khoanh vùng lại, trước khi tháo nước ra ngoài phải được xử lý bằng hóa chất theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn và tạm dừng thả giống.
Phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nguồn tôm giống, thuốc thú y thủy sản. Kiên quyết tiêu hủy những mẻ giống không đảm bảo chất lượng, khuyến cáo người nuôi không nên ham rẻ mua tôm giống, thuốc thú y thủy sản trôi nổi không rõ, khi mua con giống cần yêu cầu cơ sở bán giống xuất trình giấy kiểm tra, chứng nhận tôm giống sạch bệnh.