Dù mới đi vào hoạt động, nhưng trại Ice Fish Farm đã tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế nhờ những sản phẩm đạt chất lượng cao từ mô hình trang trại sinh thái.
Mục tiêu hoạt động của trang trại cá hồi Ice Fish Farm là thân thiện môi trường và tạo ra những sản phẩm “xanh” để thâm nhập thị trường toàn cầu. Trang trại mới được thành lập vào mùa hè năm 2012 bởi 3 nhà đầu tư, được cấp phép sản xuất 11.000 tấn cá hồi và cá trout khi chính thức đi vào hoạt động. Gudmundur Gislason, chủ tịch kiêm sáng lập Ice Fish Farm chia sẻ.
Ice Fish Farm nằm ở một vịnh hẹp phía đông Iceland. Ngoài nuôi cá lồng, cơ sở này cũng có trại sản xuất cá hồi giống trọng lượng 400 g/con, và nhà máy chế biến cá hồi nguyên con, fillet cá hồi.
Gislason cho biết, Công ty đã thả 1 triệu cá hồi giống trong năm 2015 và đang dự kiến tăng thêm số lượng cá giống. Điều quan trọng là cần phải có cá hồi giống cỡ lớn và khỏe để chịu đựng được thời tiết lạnh giá trên biển ở Iceland. Nhiệt độ thấp đồng nghĩa cá sinh trưởng chậm hơn so với các nước láng giềng có thời tiết thuận lợi như Na Uy hay Scotland. Tuy nhiên, nhờ nhiệt độ lạnh nên các vấn đề dịch bệnh như bệnh rận biển hiếm khi xảy ra tại Ice Fish Farm.
Nhiệt độ nước biển thích hợp, rận biển và các dịch bệnh khác không còn là trở ngại với Ice Fish Farm – Ảnh: Ice Fish Farm
Đây là một trong những nguyên nhân mà Ice Fish Farm nhận được chứng nhận AquaGap vào tháng 9/2015. Điều này là minh chứng rõ nét cho thấy trang trại luôn đảm bảo chất lượng xuyên suốt chuỗi sản xuất nhưng cũng nhờ nước biển sạch và lạnh nên bệnh rận biển không xảy ra, nhà sản xuất không phải dùng tới các biện pháp xử lý bằng hóa chất. Chứng nhận AquaGap được trao cho trại nuôi và thu hoạch, do đó, nó bao hàm toàn chuỗi sản xuất từ cá giống, nuôi đến thu hoạch và chế biến cá.
Ice Fish Farm xuất khẩu phần lớn sản phẩm, chủ yếu sang Mỹ – thị trường mà người tiêu dùng rất chuộng sản phẩm cá nuôi mang tính bền vững. Nuôi cá hồi và trout ở Iceland không dễ, nhưng theo cách của Ice Fish Farm, công việc này trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Vấn đề khiến các nhà sản xuất cá hồi đau đầu nhất là dịch bệnh rận biển thì Ice Fish Farm lại không vướng trở ngại này. Do đó, chỉ mất 18 tháng nuôi là cá hồi có thể đạt trọng lượng thu hoạch. Dù giá cá hồi quốc tế vẫn luôn trồi sụt thất thường, nhưng cá hồi tại Ice Fish Farm có giá rất ổn định, thậm chí cao hơn cá hồi Na Uy khoảng 10 – 20%.
Các hãng bán lẻ tại Mỹ rất ưa chuộng, thậm chí săn đón các sản phẩm cá hồi của Ice Fish Farm. Theo Gislason, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hãng, nhưng Iceland đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, do đó, đây cũng được coi là thị trường đầy tiềm năng. Hiện, Công ty đang tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc nhưng trước mắt cần nhiều thời gian tìm hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Ngành cá hồi nuôi của Iceland đang phát triển nhanh, nhiều trang trại đều muốn mở rộng diện tích. Ice Fish Farm cũng đang xin giấy phép sản xuất 24.000 tấn. Hiện, sản lượng cá tại trại đạt 2.000 tấn/năm. Gislason cho rằng, nuôi cá hồi trên cạn không có tương lai, do đó, trang trại vẫn tiếp tục bám biển nuôi cá lồng, tiếp thị hình ảnh mang đậm phong cách Iceland: đó là những sản phẩm cao cấp, tươi mới, hoàn toàn tự nhiên và đỉnh cao chất lượng.