(TSVN) – Ngày Tết, khắp các vùng biển ở miền Trung lại rộ lên mùa cá cơm. Các cụ ông ở tuổi 80 – 90 cứ vào dịp Tết lại hồi ức về những mùa cá cơm 70 – 80 năm về trước. Cá cơm giống như lộc biển, cứ mùa xuân lại áp vô sát bờ cho dân chài có cuộc sống no đủ; khi mãn mùa thì thì ngư dân phải chèo chống thuyền đi xa hơn.
Ngày xuân, hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung lại tấp nập vào mùa cá cơm. Không phải ở miền biển nào cũng dày cá cơm, nên ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa có khi tập trung về vùng biển giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi, Quảng Trị để quây cá. Cá cơm thường áp sát bờ, khu vực gần mũi đèn Ba Làng An, gần đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm. “Tết năm nào cũng ra Quảng Ngãi, tranh thủ đánh vài chục mẻ lưới rồi chạy ngược vô quê nhà đón xuân” – ông Hoàng, một ngư dân ở tỉnh Phú Yên từng kể với tôi về mùa cá cơm ngày xuân như vậy.
Đi dọc vùng biển miền Trung, ngồi với các cụ ông thì sẽ nghe những hồi ức khá sâu về mùa cá cơm trong quá khứ. Cụ Bùi An, SN 1930, người làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), khi nhắc đến mùa cá cơm cách đây 70 mùa xuân thì đã tròn xoe mắt và kể về cuộc sống của người dân chài, nơi làng từng nức tiếng về nghề mắm cá cơm. Cá cơm thời đó được thu hút để vào lưới bằng cây đuốc. Vài năm sau thì ngư dân chuyển sang đèn măng sông, tiếp đến là bóng điện cắm vào bình ắc quy. Sự tân tiến của nghề cá cơm cứ đi lên chậm chạm như con nước thủy triều lừng lững và chậm chạp như vậy.
Cứ buổi chiều, vợ các ngư dân lại mang củi, gạo ra ghe để chồng đi biển. Tấm lưới để đánh cá cơm thời đó được dệt từ sợi lá gai, lá thơm, sau đó được nhuộm rất công phu để sợi lưới có màu đen bầm. Nếu nhìn vào những tấm ảnh được chụp cách đây 50 – 60 năm thì dễ dàng nhận ra sự khác biệt ở làng chài so với bây giờ. Đó là ngày xuân, bên cạnh những túp lều rơm ở làng chài luôn có những tấm lưới được treo trên đòn cây gác ngang.
Mùa cá cơm rộ lên khi các làng biển bắt đầu lễ hội đầu năm Ảnh: Văn Chương
Vì lưới được dệt từ cây cỏ thiên nhiên, vì vậy mọi người luôn phải treo lưới hong khô trước gió. Và ngày xuân, gần đống lưới được cắm vài que hương cùng với lời khấn nguyện của gia chủ, gởi điều ước về một năm mưa thuận, gió hòa, ra biển đánh bắt cá cơm bội thu, được ông bà, thần biển phù hộ.
Mùa cá cơm rộ lên từ dịp cuối năm, sau đó lắng dân vào khoảng tháng 6. Đầu mùa, cá áp vô sát bờ và ngư dân chở cá về làng chài giữa lúc tiếng pháo râm ran. Khi qua thời đốt pháo, cá cơm vô bờ chỉ còn vang lên tiếng cười, nói của vợ các ngư dân, cùng lời hứa hẹn “anh em chuyến này vô được chục tấn, trưa nay lai rai bia, rượu để chiều lại ra ghe”.
Câu cửa miệng của vợ các ngư dân “chục tấn” nghe có vẻ lạ, nhưng mà lá câu chuyện có thật. Cao điểm, có tàu khai thác được 10 tấn cá cơm/đêm. Cá cơm ngập tràn khắp khoang tàu, xếp kín boong trước lẫn 2 bên be tàu. Ngày nay, ngư dân không còn đánh bắt cá cơm theo phương thức soi đèn măng sông, đuốc, đèn thắp bằng bình ắc quy, mà sử dụng hẳn giàn đèn pha 16 chiếc và được tiếp nguồn bằng chiếc dinamo được nối với động cơ của tàu.
Có chuyến đi với ngư dân vào những phiên cuối cùng của mùa cá, tôi thấy họ phải vận hành theo mô hình tổ đoàn kết thì mới thu về lượng cá đủ trang trải cho bạn chài và phí tổn. Nhưng điều khá vui là ở mỗi địa phương gọi tổ đoàn kết bằng một cái tên khác nhau. Trong lần có mặt trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Mến ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tôi giật mình khi nghe thuyền trưởng gọi tổ đoàn kết bằng “đạo cá”. Từ đạo đã hàm chứa đủ về sự gắn kết thân mật và chia sẻ của ngư dân làm nghề đánh bắt cá cơm.
Cuối năm 1960, ông Nguyễn Đình Huân (SN 1934), quê ở xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi lại ra các xã Tịnh Kỳ, Nghĩa An, hoặc Lý Sơn để thuê thuyền đi thu mua cá cơm trên biển. Thời đó, mỗi khi thuê thuyền thì phải thuê luôn người cầm lái, sau đó chạy đi đặt chum muối mắm. Chum được xếp đầy ngoài boong thuyền và khi mua được cá cơm thì dồn vào muối mắm luôn trên thuyền. Vì cá được muối trực tiếp nên sau này cho ra loại nước mắm rất thơm, ngon, hương vị đậm đà.
Những người sống cùng thời với ông Huân cho biết, nước mắm Phan Thiết nổi tiếng trăm năm, bởi vì thời đó cá cơm vào sát vùng biển Phan Thiết rất nhiều. Cứ vào gần cuối năm, chờ cho sóng gió ngớt thì các ngư dân bắt đầu chèo thuyền, căng buồm rời Quảng Ngãi vào tận Phan Thiết để ở lại đánh cá. Cứ tối ra biển đánh, sáng vào bờ bán. Khi mùa cá cơm mãn thì lại dong buồm trở về Quảng Ngãi, thời gian đi hết 3 – 4 ngày đường.
Giờ đây, ngư dân đã sắm được máy lớn gắn dưới tàu, vì vậy đang đánh cá ở Quảng Ngãi, nhưng nghe ngư dân trong đạo cá gọi “ngoài Quảng Nam có, trúng lắm”, vậy là ngư dân lập tức cho thuyền chạy ngay ra ngư trường mới. Mùa biển năm 2020, tôi có mặt trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Mến, quê ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Do đánh bắt vào giữa mùa nên ngư dân phải liên kết thì mới đủ sản lượng/đêm.
Ra khơi, con tàu phải chạy ngược chạy xuôi và tới nửa đêm thì mới 3 lần bật đèn thu hút cá. Mãi tới gần sáng, khi các ngư dân đang thiu thiu ngủ và thuyền trưởng liên tục hỏi dò luồng cá trên máy Icom thì có tiếng gọi thất thanh “tới… tới lẹ lên, tọa độ… qua cỡ 4 số, có cá ve…!”. Nghe tiếng gọi, ông thuyền trưởng trẻ cho tàu chạy thục mạng tới tọa độ được thông báo. Tại tọa độ này có 3 tàu cá đang hối hả pha đèn xúc cá. Con tàu đến sau cũng nổ máy hừng hực và xông vào pha đèn. Kết quả, các ngư dân đánh bắt được 300 kg cá cơm.
So với cách đây 60 – 70 năm về trước, ngư dân đánh cá cơm giờ đây cũng trở thành những người xuôi ngược dọc, ngang trên biển. Cứ Tết về, ngư dân lại đánh bắt gần bờ, ngay sát vùng biển quê nhà. Nhưng khi mùa cá cơm gần mãn, trên máy Icom của ngư dân liên tục vang lên thông tin từ các bạn trong đội tàu, “chạy ra Nam Định, tới Bạch Long Vĩ, tới Quảng Bình, di chuyển ngư trường liên tục thì mới kiếm đủ tiền chi phí cho chuyến biển đánh cá cơm”.
Lê Văn Chương