“Trấn áp” dịch bệnh trên tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đối với tôm nuôi, dịch bệnh luôn là mối nguy lớn và cũng là tác nhân khiến nhiều người nuôi gánh thiệt hại nghiêm trọng. Để triệt để ngăn chặn dường như không thể, hiện, các địa phương chỉ có giải pháp dập dịch tránh lây lan và hạn chế tối thiểu mầm bệnh lưu cữu.

Thiệt hại vẫn lớn 

Theo số liệu của Cục Thú y, 11 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là gần 21.250 ha tại 22 tỉnh, thành phố; chủ yếu thiệt hại ở loại hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa (15.155 ha, tương đương 71,32%), còn lại là thiệt hại ở loại hình nuôi thâm canh, bán thâm canh (6.095 ha). Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh là 5.870 ha (chiếm 27,7% trong diện tích tôm bị thiệt hại); chủ yếu là bệnh đốm trắng (31,3%), hoại tử gan tụy cấp tính (20,6%), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (gần 2%), đỏ thân (31,3%), còn lại là do các bệnh thông thường khác. 

Dịch bệnh trên tôm nuôi đã và đang diễn biến phức tạp. Ảnh: ST

Tại Cà Mau, theo Sở NN&PTNT tỉnh, 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch bệnh với tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, với diện tích 105,6 ha. Qua kết quả giám sát chủ động và bị động cho thấy, một số mầm bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi vẫn còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi (bệnh AHPND, WSSV, EHP, IHHNV). Ngành chức năng lo ngại nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan và gây thiệt hại cho người nuôi nếu không kiểm soát được tình hình, đặc biệt là với con giống, khâu chuẩn bị ao nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh… Chưa kể, dịch bệnh trên tôm còn tác động xấu đến cả các đối tượng nuôi kèm tôm, như sò huyết, cá, cua… 

Còn tại Bến Tre, theo UBND tỉnh, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn. Đặc biệt, vấn đề dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã và đang diễn biến phức tạp, như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV)… Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã gây thiệt hại 696,26 ha diện tích nuôi tôm của người dân; trong đó, tôm sú 8,51 ha, tôm thẻ chân trắng 687,75 ha. Dịch bệnh xảy ra trên tất cả vùng nuôi tôm của tỉnh, tập trung tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. 

Nhanh chóng xử lý 

Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên tôm xảy ra từ đầu năm đến nay, tỉnh đã được Bộ NN&PTNT hỗ trợ 60 tấn Chlorine (2 đợt) để xử lý môi trường các ao nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân bổ Chlorine dự trữ đến huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 67,5 tấn hóa chất Chlorine để xử lý môi trường ao nuôi tôm bị bệnh cho 334 hộ/127,91 ha. 

Cũng theo Sở NN&PTNT Bến Tre, thời gian tới môi trường nuôi vẫn chưa ổn định, mầm bệnh còn nhiều, thời tiết diễn biến bất thường, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ để dịch bệnh tiếp tục bùng phát. 

Dự báo, tỷ lệ thiệt hại trên tôm nước lợ của Bến Tre chiếm khoảng 5% diện tích thả nuôi, tương đương khoảng hơn 300 ha. Do đó, địa phương sẽ cần khoảng 30 tấn Chlorine để hỗ trợ người dân xử lý môi trường ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh trong thời gian tới. 

Tại tỉnh Cà Mau, để phòng chống dịch bệnh trên tôm, hạn chế thiệt hại, trong 10 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chức năng cấp phát 35.433 kg hóa chất Chlorine để xử lý, khử trùng nước ao nuôi có tôm bệnh với diện tích 72,96 ha. Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh còn dự trữ Chlorine để chủ động xử lý khi có dịch xảy ra. 

Theo ông Châu Công Bằng, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, hiện nay, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng hóa chất Chlorine để xử lý, khử trùng ao nuôi khá lớn, UBND tỉnh đã có đề nghị và được Bộ NN&PTNT có quyết định hỗ trợ 30 tấn hóa chất Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh để phòng chống dịch bệnh thủy sản. 

Trước đó, hồi tháng 9, Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT xuất cấp không thu tiền 76 tấn hóa chất Chlorine 65% min từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Bởi theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, 9 tháng đầu năm, tôm bị bệnh và chết xảy ra tại 7 xã, phường của 4 huyện, thành phố trong tỉnh với tổng diện tích 361,66 ha. Trong đó, diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính là 38,19 ha, gồm: huyện Vĩnh Linh 20,03 ha, huyện Gio Linh 2,71 ha, huyện Triệu Phong 5,15 ha và TP Đông Hà 10,3 ha. 

Sử dụng hóa chất là cách nhanh chóng để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, thế nhưng, đó không phải là giải pháp tối ưu và không phải là biện pháp để phát triển bền vững tôm nuôi. Theo các chuyên gia, muốn đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi nói chung, con tôm nói riêng, cần đảm bảo đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị, từ con giống đến kỹ thuật nuôi và còn cần sự thông tin cũng như cảnh báo chính xác của ngành chức năng. Chỉ như vậy mới có thể giảm thiểu thiệt hại trong nuôi tôm qua mỗi vụ. 

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!