T2, 06/07/2020 09:53

Tranh cãi về tôm thẻ chân trắng: Nông dân lĩnh đủ?

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nuôi tôm vẫn như ngồi trên đống lửa, khi mà hai bộ NNPTNT và TNMT vẫn chưa… bàn xong về “số phận” loài thủy sản này?

Trong khi câu chuyện về tôm thẻ chân trắng (TTCT) vẫn chưa ngã ngũ do hai bộ NNPTNT và TNMT chưa… bàn xong, thì thực tế cho thấy, không ít nông dân đang như ngồi trên lửa. Hàng ngàn hécta TTCT vẫn được nuôi trồng không biết sẽ đi đâu về đâu nếu “nhỡ” Bộ TNMT vẫn kiên quyết “trục xuất” loại thuỷ sản này?

 

 

 Nuôi tôm thẻ chân trắng tại Bạc Liêu.     Ảnh: NHẬT HỒ
Nuôi tôm thẻ chân trắng tại Bạc Liêu. Ảnh: NHẬT HỒ

Con tôm cho bạc tỉ

Cùng với tôm sú, từ cuối năm 2009 đến nay, TTCT đã trở thành mặt hàng thủy sản nuôi chủ lực ở ĐBSCL bởi giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thuận lợi. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), chỉ trong năm 2010, toàn vùng nuôi ĐBSCL đã thả nuôi gần 9.000 hécta – tăng 2,5 lần diện tích so với năm 2009. Một con số đáng kinh ngạc là năng suất bình quân từ loại tôm này đạt 6,8 tấn/ha, tổng sản lượng toàn năm ngoái của TTCT là 60.000 tấn – tăng 4,3 lần so với năm 2009.

Loại nhuyễn thể này chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm cả nước năm 2010. Trong năm nay, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep) cho biết, tổng kim ngạch XK tôm cả nước ước đạt 1,9 tỉ USD – tăng 300 triệu USD so với năm ngoái. Trong đó, Vasep khẳng định lần đầu tiên TTCT có kim ngạch XK ngang ngửa tôm sú.

Và trong khi tôm sú đang điêu đứng nhiều tuần qua do thiếu tôm giống nguyên liệu, tôm nuôi chết hàng loạt do dich bệnh, thì TTCT vẫn an toàn. Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – khẳng định: “Từ sau khi triển khai nuôi hàng loạt đến nay, qua khảo sát cho thấy, loại TTCT không những cho giá trị kinh tế và tỉ lệ nuôi an toàn cao, mà con chưa hề có biểu hiện xấu nào về việc ảnh hưởng đến sinh thái, làm nguy hại môi trường”.

Theo ông Tuấn, do có quá nhiều lợi thế về nuôi trồng như thời vụ ngắn, mật độ cao, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…, nên hiện nay TTCT không chỉ nuôi rộng rãi ở VN, mà còn trở thành nguồn thủy sản mũi nhọn của nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc… Việc khảo nghiệm và cấp phép đã được Bộ NNPTNT tiến hành theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học cũng như sự cho phép của UBND các địa phương.

Cần sự dứt khoát!

Dù có quá nhiều minh chứng để khẳng định TTCT hoàn toàn vô hại với môi trường, song tại thời điểm này, việc bàn thảo giữa hai bộ NNPTNT và TNMT về việc có hay không việc đưa loài thủy sản này vào danh mục gây hại vẫn chưa có hồi kết. Bộ TNMT vẫn khăng khăng cho rằng, loài tôm này có thể gây hại bằng cách gây dịch bệnh lớn cho những loài thủy sản khác (điển hình là bệnh taura – bệnh đỏ đuôi). Với lý lẽ là nhiều nước trên thế giới đã bị “dính” bệnh này từ TTCT, một thông tư từ bộ này vội vã đưa ra và có hiệu lực từ 15.8. Câu hỏi được đặt ra là vậy trách nhiệm Bộ TNMT ở đâu khi từ trước đến nay không hề lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này.

Đến nay, khi người dân nuôi diện rộng, thì lại nói quay ra… làm khó bằng cách yêu cầu phải loại bỏ TTCT. Nếu như Bộ NNPTNT không kịp thời vào cuộc “can ngăn” thì liệu với việc áp thông tư này vào thực tế, hàng nghìn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL sẽ đi đâu về đâu? Một điều nữa là tại sao khi căn ke việc đưa loài tôm này vào nuôi rộng rãi, hai bộ không tính đến những “nguy cơ” trên theo lý lẽ của Bộ TNMT, để từ đó quyết định minh bạch và dứt khoát việc nên hay không nuôi trồng TTCT.

Để đến bây giờ, khi “gạo đã thành cơm”, tôm nuôi hàng loạt và vẫn hằng ngày mang lại nguồn lợi không nhỏ cho nông dân thì lại bị làm khó. Nông dân thì như ngồi trên lửa, trong khi các nhà chính sách thì vẫn đang “cân lên đặt xuống” việc quyết định số phận cho loại tôm ngoại lai xấu số này!

Với những thắc mắc trên, một lần nữa Bộ NNPTNT khẳng định như “đinh đóng cột” sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ loài thủy sản này. Bộ này có đầy đủ văn bản để chứng minh chưa hề phát hiện thấy virus taura gây hại môi trường và thủy sản khác. Dịch bệnh trên tôm hoành hành gây chết hàng loạt cho tôm sú thì TTCT vẫn không bị “dính” dịch. Ông Phạm Anh Tuấn quả quyết: “Cần có sự xem xét kỹ lưỡng để tránh gây khó khăn cho bà con nông dân, thậm chí là làm mất cơ hội làm giàu của họ trên chính loại tôm này”. Mặc dù trong tuần này, hai bộ sẽ có kết luận cuối cùng, song ông Tuấn vẫn khuyến nghị bà con nông dân tiếp tục yên tâm nuôi trồng, tránh tâm lý lo lắng ảnh hưởng đến sản xuất.

Dương Hà

Theo Lao động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!