Giới khoa học đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa tôm thẻ chân trắng và con hàu Thái Bình Dương vào danh sách sinh vật ngoại lai xâm hại.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong một văn bản có hiệu lực từ hôm nay, cho rằng loài tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) là sinh vật ngoại lai xâm hại.
Trong khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại có quan điểm ngược lại, theo đó hai loài nói trên, từ khi được nhập về, đã phát triển thương phẩm rất tốt ở nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế.
Những sinh vật có tên trong danh sách sinh vật ngoại lai sẽ không được phép nhập về Việt Nam hoặc nếu được gây nuôi thì chỉ với số lượng có hạn và phải được sự cho phép của cơ quan quản lý. Theo Bộ Nông nghiệp, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản và sinh kế của nhiều người.
Các nhà khoa học độc lập cũng đưa ra ý kiến khác nhau về vấn đề trên. Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, giảng viên khoa Môi trường, Đại học Tự nhiên Hà Nội khẳng định: "Thông tư của Bộ Tài nguyên là hoàn toàn chính xác". Ông Hòe cho biết, ngay từ khi tôm thẻ chân trắng đưa vào Việt Nam gây nuôi đã được giới khoa học cảnh báo về nguy cơ lây bệnh sang cho tôm bản địa.
"Loại tôm này tiền sử mắc bệnh virus Taura, còn gọi là bệnh đỏ đuôi được cảnh báo từ năm 1992 khi nó xuất hiện tại châu Mỹ – quê hương của con tôm thẻ chân trắng. Bệnh này khó nhận biết và không thể chữa trị", tiến sĩ Hòe nói.
"Khi mắc virus Taura, tôm thẻ chân trắng còn gây chết cả tôm sú bản địa, nên đưa loài này vào sinh vật ngoại lai xâm hại là hợp lý", ông Hòe nói.
Ngược lại, tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, nhận xét rằng tôm thẻ chân trắng không giống ốc bươu vàng bởi nó không có khả năng tự sinh sản nhanh, mà phải có quá trình gây nuôi mới phát triển tiếp được, nên chỉ cần quyết định dừng nuôi thì nó sẽ giảm số lượng ngay.
"Cần xem xét thật kỹ vấn đề này trước khi đưa ra quyết định, nếu không sẽ tiêu diệt loài sinh vật có thể góp phần vào duy trì đa dạng sinh học", ông Vĩnh lưu ý.
Một số chuyên gia khác thì cho ý kiến cần theo dõi thêm. Theo tiến sĩ Bùi Quang Tề, chuyên gia thủy sản, cần có thêm thời gian để đánh giá, vì tôm thẻ chân trắng mới vào Việt Nam khoảng 10 năm. "Loài tôm thẻ chân trắng không phải là tốt hoàn toàn, thực tế rủi ro về bệnh của loài này rất cao, năm ngoái nó mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, nhưng năm nay nhiều doanh nghiệp, người dân điêu đứng vì loài tôm thẻ chân trắng chết trên diện rộng".
Loài này có ưu điểm là thời gian nuôi ngắn, giá thương phẩm cao. Do đó, theo ông Tề, cần có nghiên cứu thêm để đưa ra kết luận cuối cùng.
Con hàu Thái Bình Dương. Ảnh: VTV.
Về con hàu Thái Bình Dương, ông Vĩnh cho rằng, loài sinh vậy này khi phát triển ở Việt Nam không gây hại cho môi trường, thậm chí còn làm môi trường nước một số tỉnh ven biển vốn bị xuống cấp được cải tạo.
"Hàu Thái Bình Dương còn tạo ra sinh kế cho người dân. Như vậy, nó không chỉ cải tạo môi trường sống mà còn giúp người dân cải thiện đời sống, thì không thể nói là xâm hại được", ông Vĩnh cho hay.
Trong khi đó Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết con hàu Thái Bình Dương có ảnh hưởng đến sinh tồn của nhiều loài động vật nổi và động vật lớn. Một ví dụ về tính xâm hại của hàu này được thể hiện trong ngành nuôi con trai xanh ở Hà Lan.
Hương Thu
Theo Vnexpress