Trao đổi phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu đánh giá biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội thảo diễn ra ngày 6/9, tại Hà Nội, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) phối hợp với Trung tâm Nghề cá Thế giới tổ chức.

Trong những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, tổng sản lượng thủy sản năm 2012 đạt 5,8 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác đạt 2,6 triệu tấn, nuôi trồng đạt 3,2 triệu tấn (riêng tôm nước lợ ước đạt 500 nghìn tấn, cá tra đạt 1,2 triệu tấn). Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,2 tỷ USD.

Tuy nhiên những năm gần đây, lĩnh vực thủy sản Việt Nam đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là khai thác hải sản trên biển, nuôi trồng thủy hải sản ở vùng bãi triều, vùng cửa sông ven biển và các vùng nuôi trên biển. BĐKH ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài nuôi, đến môi trường thủy sinh và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong vùng nuôi thủy sản. BĐKH đi kèm với các biểu hiện như nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao, bão lũ, sóng lớn, triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan… đã ảnh hưởng đến ngành thủy sản.

BĐKH nói chung và trong ngành thủy sản nói riêng là vấn đề phức tạp, không theo quy luật tuyến tính, rất khó nghiên cứu và dự báo. Xét một cách tương đối, các trào lưu nghiên cứu BĐKH trong ngành thủy sản có thể phân chia thành các nhóm phân tích đánh giá về: sự tổn thương; giảm thiểu BĐKH; khả năng thích ứng; khả năng đàn hồi; và tác động của BĐKH (trên các phương diện vật chất, sinh lý, sinh học, sinh thái môi trường, kinh tế, xã hội và chính sách thể chế).

Các phương pháp và mô hình đánh giá BĐKH trong ngành thủy sản chưa được hoàn thiện. Trở ngại này hạn chế khả năng dự báo các tác động tiềm tàng của BĐKH, hạn chế khả năng tham mưu cho các cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển cũng như đề xuất các giải pháp thích ứng đặc thù cho ngành thủy sản.

Hội thảo lần này nhằm trao đổi kinh nghiệm và hệ thống hóa các phương pháp nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH lên ngành thủy sản Việt Nam, xây dựng các định hướng nghiên cứu liên quan đến BĐKH trong tương lai. Bên cạnh đó, góp phần định hướng nghiên cứu sắp tới liên quan đến BĐKH trong ngành thủy sản, tăng khả năng nghiên cứu phân tích và dự báo về BĐKH của các cơ quan chuyên môn, phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách đặc thù của ngành.

Ông Douglas James Beare – Giám đốc Trung tâm Nghề cá Thế giới (WorldFish Center) cho biết, vấn đề chúng tôi quan tâm là BĐKH và WorldFish Center muốn chia sẻ những hoạt động, vấn đề hay những nghiên cứu về vấn đề này. Đây là cơ hội phối hợp nhiều hơn giữa WorldFish Center, các tổ chức quốc tế với Việt Nam, cũng như việc Việt Nam sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn để tiến hành nghiên cứu BĐKH.

Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đã đưa ra một số đề xuất như: Tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác hơn nữa giữa WorldFish Center và các đối tác khác với Việt Nam trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin; Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn đối với ứng phó BĐKH như các nội dung nghiên cứu về khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa – xã hội, mô hình hóa trong BĐKH…; Bên cạnh các hướng tiếp cận, phương pháp đang được sử dụng như thảo luận nhóm, phân tích thứ bậc, tiếp cận không gian, cần tiếp tục nghiên cứu phương pháp khác đang được áp dụng theo hướng cung cấp thông tin cho kết quả cụ thể, thích hợp, giúp cộng đồng, nhà khoa học và các cơ quan quản lý; Xác định các “điểm nóng cần ưu tiên nghiên cứu, giải quyết, trong nuôi trồng thủy sản cần ưu tiên nghiên cứu các đối tượng nuôi chủ lực, dễ bị tổn thương như cá tra, tôm sú. Trong khai thác, xem xét đối với bảo tồn đa dạng sinh học, lựa chọn vùng sinh thái “nhạy cảm” với BĐKH như vùng ven biển, vùng dễ lụt lội…

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!