Doanh nghiệp thủy sản muốn XK cá tra phải đảm bảo yêu cầu được quy định trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/4/2014, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014.
Chế biến cá tra XK (Ảnh Internet).
Theo Nghị định 36, DN XK cá tra sau khi ký hợp đồng với nhà NK phải đăng ký với Hiệp hội cá tra Việt Nam (Việt Nam Pangasius). Việt Nam Pnagasius sẽ xét xem DN có đáp ứng những tiêu chí trong nghị định hay không trước khi đồng ý để DN XK. Cơ quan Hải quan sẽ căn cứ trên thông tin từ Hiệp hội để làm thủ tục thông quan cho các lô hàng cá tra của DN.
Việt Nam Pangasius còn có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đăng ký, thẩm định, xác nhận, thu phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra theo quy định; thống kê tình hình nuôi, chế biến, XK cá tra và định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính…
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ những tiêu chí bắt buộc DN thủy sản phải tuân theo là phải có vùng nuôi cá ở trong khu vực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt. Và đến ngày 31-12-2015, các cơ sở nuôi cá tra phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGap) hoặc các chứng chỉ quốc tế phù hợp.
Đối với những hộ dân, hợp tác xã nuôi cá tra, Nghị định cũng quy định, giữa bên nuôi và chế biến cá tra XK phải có hợp đồng mua bán. Trường hợp DN và người nuôi không có hợp đồng thì Việt Nam Pangasius có quyền thẩm định, xác nhận hợp đồng và giá XK nhằm tránh trường hợp DN có giá XK phile cá tra cao nhưng lại mua cá tra nguyên liệu của nông dân với giá thấp hơn giá thành.
Đối với việc xử lý vi phạm trong XK sản phẩm cá tra, Nghị định nêu rõ sẽ đình chỉ XK lô hàng sản phẩm cá tra không đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định của Việt Nam và nước NK; tạm dừng XK sản phẩm cá tra đối với thương nhân XK bị cơ quan có thẩm quyền của thị trường nhập khẩu yêu cầu tạm dừng do có vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm…
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập, phê duyệt Quy hoạch tổng thể nuôi, chế biến cá tra; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lập và thực hiện quy hoạch nuôi, chế biến cá tra tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương xác nhận đăng ký diện tích, sản lượng nuôi cá tra thương phẩm và cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm; thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu theo quy định pháp luật…
Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tham mưu, xử lý các tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật đối với xuất khẩu sản phẩm cá tra; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm cá tra theo thẩm quyền…
Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp tính giá thành cá tra nguyên liệu, quy định về phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra. Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm tra giám sát đối với XK cá tra theo quy định của Nghị định này.