(TSVN) – Trước tình hình sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản gặp nhiều nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội; các địa phương đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ, nhằm thúc đẩy sản xuất, thích ứng trong tình hình dịch COVID-19.
Phú Yên
Theo ghi nhận, trên địa bàn thị xã Sông Cầu, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tình hình NTTS gặp nhiều khó khăn như: thị trường tiêu thụ hạn chế, kéo theo hạ giá sản phẩm thủy sản nuôi, nhiều người nuôi gặp khó khăn. Tuy nhiên, nuôi thủy sản là một trong những công việc chủ lực ở địa phương nên người dân vẫn tiếp tục duy trì. Để ổn định NTTS trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp, thị xã Sông Cầu đã xây dựng và triển khai nhiều phương án. Theo đó, UBND thị xã Sông Cầu đã chỉ đạo UBND các xã, phường trên địa bàn cấp thẻ mua thức ăn thủy sản cho các hộ NTTS có nhu cầu hàng ngày. Ngoài ra cũng yêu cầu các đơn vị quản lý chợ thực hiện phân luồng, bố trí khu vực mua bán cá làm thức ăn cho thủy sản nuôi riêng, đảm bảo khoảng cách tối thiểu cũng như các quy định về phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các địa phương chỉ đạo các chốt kiểm soát tại chợ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trên thẻ và kiểm soát tần suất đi chợ…
Cùng đó, thị xã đang triển khai khẩn cấp các giải pháp trong tình hình mới, đồng thời thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, để đảm bảo ngăn ngừa dịch lây lan trong tình hình hiện nay, UBND đã chỉ đạo các địa phương thành lập chốt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các trường hợp qua lại chốt, nhất là giữa địa phương này với địa phương khác. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương linh động giải quyết những trường hợp người dân có nhu cầu cấp thiết phải ra ngoài, nhất là các hộ NTTS, nhưng hạn chế tối đa số lượng người trong một hộ. Trường hợp thật sự cần thiết phải ra ngoài nhiều người trong một hộ gia đình (như thu hoạch thủy sản nuôi, những hoạt động cần nhiều người…), địa phương phải có báo cáo kịp thời và triển khai thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Bến Tre
Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tại tỉnh Bến Tre đã có báo cáo về các loại hàng hóa nông sản đang bước vào thu hoạch, kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ đến Tiểu ban hậu cần – Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh. Hiện, huyện Bình Đại có lượng hàng hóa nông sản dồi dào, về sản xuất thủy sản, địa phương đang khuyến cáo người dân neo lại qua đợt giãn cách; con tôm lại đang vào vụ thu hoạch cần được tiêu thụ. Tại huyện Thạnh Phú đang bắt đầu thu hoạch tôm nuôi thâm canh; diện tích sò nuôi trong điều kiện nước bắt đầu ngọt khiến người dân phải di dời vùng nuôi sò, đến đầu tháng 8/2021 thu hoạch khoảng 500 tấn… Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để đảm bảo kết nối phải có sản lượng và đầu mối kết nối, có địa chỉ cụ thể, tiện cho các đối tác. Các địa phương cần chỉ đạo, có số liệu nông sản cần giải tỏa; trong đó, ưu tiên loại nông sản nào cần tiêu thụ ngay, những sản phẩm nào còn neo được thì neo. Đặc biệt, quan tâm phòng chống dịch COVID-19 do khâu thu hoạch cần nhiều nhân công. Sở sẽ nhanh chóng có số liệu để thực hiện việc kết nối tiêu thụ hàng hóa trong những ngày giãn cách còn lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, phải nắm sát sản lượng mới có thể hỗ trợ người dân đầu ra cho nông sản. Về giá cả, phải có sự can thiệp của Nhà nước để thống nhất một giá sau khi cân nhắc giữa giá bình quân và giá thị trường. Trước mắt, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hỗ trợ kênh tiêu thụ hàng nông sản trong tỉnh. Sau khi nắm chính xác sản lượng hàng hóa, Sở Công thương chủ trì việc phối hợp với các huyện để kết nối với thương lái trong tiêu thụ hàng nông sản ra ngoài tỉnh, bán trên sàn thương mại điện tử.
Kiên Giang
Tại cuộc họp báo cáo tình hình và thảo luận việc thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ngày 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng, để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành, các địa phương phải chủ động rà soát, cập nhật phương án phát triển kinh tế – xã hội của ngành, của địa phương, chuẩn bị tốt các điều kiện để phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát và hết giãn cách xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp cùng với các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và NTTS đảm bảo kế hoạch sản xuất, thời gian thu hoạch vụ mùa của từng địa phương. Đồng thời, xây dựng phương án và kết nối các kênh tiêu thụ nông sản tránh tình trạng thương lái ép giá và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch. Cùng đó, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, nhất là các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu. Sở Công thương, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, kết nối cung cầu trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại điện tử, mua bán và thanh toán trực tuyến với các hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống nhân dân. Triển khai nhanh các chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân về việc miễn, giảm, giãn thuế một cách kịp thời để doanh nghiệp, hộ dân vượt qua khó khăn trong sản xuất và đời sống. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là các địa phương chưa có ổ dịch, cơ bản an toàn sớm rà soát lại các dự án, giải quyết vướng mắc của các dự án đang thực hiện, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đạt 80% theo chỉ đạo của Chính phủ.