(TSVN) – Việc triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN)” là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của EC và nâng cao hiệu quả quản lý ngành thủy sản. Nhiều địa phương ven biển đã và đang ráo riết triển khai, tuy nhiên cũng còn gặp không ít những trở ngại.
Thông tin từ Cục Thủy sản, để thực hiện hệ thống eCDT VN, ngay trong tháng đầu năm 2024, Cục đã gửi Công văn số 24/TS-KTTS đến Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển về việc triển khai hệ thống eCDT VN; Công văn số 53/TS-KTTS đến Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đề nghị Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển tham gia triển khai hệ thống; Công văn số 156/TS-KTTS Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển đôn đốc việc triển khai hệ thống. Tới tháng 4 vừa qua, Cục Thủy sản tiếp tục gửi Công văn số 650/TS-KTTS đề nghị các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương triển khai hệ thống.
Cùng đó, để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, Cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn trực tiếp tại Hà Nội; Hội thảo trực tuyến hướng dẫn chi tiết cho tất các địa phương ngày 21/2/2024; tổ chức 8 tập huấn trực tiếp cho ngư dân, cán bộ BQL cảng cá, Chi cục Thủy sản, Biên phòng tại các tỉnh gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Nghệ An. Mới đây, ngày 12/6, Cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) và triển khai hệ thống eCDT VN.
Hướng dẫn ngư dân sử dụng phần mềm eCDT VN, Ảnh: Quang Việt
Ngày 13/6, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác qua hệ thống phần mềm eCDT VN, góp phần chống khai thác IUU. Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chủ tàu cá, thuyền trưởng có thể truy cập; kiểm soát, hệ thống số liệu khai thác thủy sản từ tàu cá đến hoạt động mua bán, xuất khẩu của các doanh nghiệp đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản được minh bạch. Đồng thời, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cho doanh nghiệp, chủ tàu cá… về hệ thống eCDT VN; thông báo và đăng ký thông tin tài khoản cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sử dụng hệ thống eCDT VN cho chủ tàu cá, thuyền trưởng. Lộ trình thực hiện từ tháng 7 – 10/2024 với tổng vốn kinh phí thực hiện khoảng 680 triệu đồng.
Ứng dụng Hệ thống phần mềm eCDT VN giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tàu cá ra vào cảng chặt chẽ hơn; giúp tổ chức quản lý cảng cá và cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng, Giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (Giấy SC) và Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (Giấy CC) hoàn toàn qua môi trường điện tử. Chính vì vậy, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Quảng Trị đã tập huấn, hướng dẫn phần mềm này cho các cán bộ các cảng cá chỉ định trên địa bàn, cán bộ các Đồn Biên phòng ven biển và hơn 100 chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên tại các xã Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang, Triệu An và thị trấn Cửa Việt. Ngoài ra, trong các ca trực tại Văn phòng Kiểm soát nghề cá tại cảng cá Cửa Việt và cảng cá Cửa Tùng, thành viên thuộc lực lượng Chi cục Thủy sản đã sử dụng điện thoại thông minh của cá nhân, trực tiếp hướng dẫn cho các chủ tàu/thuyền trưởng về cách tải, cài đặt và sử dụng Hệ thống eCDT VN.
Phần mềm eCDT VN giúp minh bạch hóa các thông tin hải sản sau khai thác là xu thế tất yếu hiện nay. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Cục Thủy sản, tỷ lệ các cảng biển triển khai phần mềm này còn thấp. Cụ thể: Hiện tại, 56/83 cảng cá đã thực hiện cho tàu cá xuất bến trên hệ thống với 7.940 lượt tàu cá và 47/83 cảng cá đã thực hiện thủ tục nhập bến cho tàu cá với 4.356 lượt tàu cá. Những cảng thực hiện tốt gồm có: cảng Tam Quan, cảng Đề Ri, cảng Quy Nhơn (Bình Định), cảng Hòn Rớ, cảng Vĩnh Lương (Khánh Hòa), và một số cảng khác.
Chỉ có 15/51 cảng thực hiện cấp giấy biên nhận thủy sản với tổng cộng 177 giấy. Các cảng như Hòn Rớ, Tam Quan, Tắc Cậu, Quy Nhơn, Gành Hào và một số cảng khác đã bắt đầu triển khai nhưng còn nhiều cảng khác chưa thực hiện.
Hiện chỉ có 6 đơn vị đã cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với tổng cộng 13 giấy, bao gồm các cảng Gành Hào, Tắc Cậu, Hòn Rớ, Tam Quan, Bến Đá, và Thọ Quang.
Việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác chưa được thực hiện do số lượng giấy xác nhận nguyên liệu quá thấp và các doanh nghiệp chưa đề nghị cấp giấy chứng nhận trên hệ thống.
Nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện cho tàu cá xuất bến và nhập bến trên hệ thống. Nhiều đồn biên phòng không thực hiện, không đăng nhập, không xác nhận cho tàu cá xuất bến, nhập bến. Dữ liệu trên hệ thống chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu thông tin về giấy phép khai thác, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc cập nhật thông tin lên hệ thống khi chụp ảnh nhật ký khai báo cập cảng bị chậm, mất nhiều thời gian.
Phần mềm mới chỉ chạy trên hệ điều hành Android, chưa chạy được trên iOS, gây khó khăn cho những người sử dụng iPhone. Ngư dân còn bỡ ngỡ khi mới tiếp cận với ứng dụng và gặp khó khăn trong thao tác trên điện thoại. Một bộ phận ngư dân vẫn sử dụng điện thoại nút bấm, không phải smartphone, nên không thể cài đặt ứng dụng. Một số tính năng của phần mềm còn thiếu, gây khó khăn trong quá trình triển khai.
Hệ thống sử dụng ứng dụng trên điện thoại đôi khi sóng không ổn định dẫn đến hệ thống bị treo, chậm ảnh hưởng đến thời gian làm thủ tục xuất, nhập bến của ngư dân. Trình độ của một bộ phận không nhỏ ngư dân còn hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến việc cài đặt, thao tác trên điện thoại dẫn đến tâm lý ngại áp dụng…
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, EC khuyến cáo Việt Nam cần ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, quyết liệt hơn nữa trong xử phạt các hành vi khai thác IUU; đặc biệt hành vi ngắt kết nối VMS, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống eCDT. Do vậy, phải đồng bộ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, chế biến xuất khẩu, như vậy mới định hình thương hiệu thủy sản Việt Nam, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững.
Vân Anh
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc ứng dụng phần mềm eCDT VN để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; theo dõi, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác liên thông theo chuỗi, đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo việc triển khai đồng bộ phần mềm này phải hoàn tất trước tháng 9/2024.