CHỦ NHẬT, ngày 30/3/2025

Triển khai nhiều nhiệm vụ thực hiện Chương trình quốc gia Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030; trong đó đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Kế hoạch đề ra 6 dự án/đề án, gồm: Dự án dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản hiệu quả; Đề án khoa học công nghệ phục vụ Chương trình quốc gia Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030; Dự án xây dựng mô hình quản trị số hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam; Đề án thí điểm phát triển cảng cá xanh đến năm 2030; Đề án đàm phán tham gia là thành viên các tổ chức quản lý nghề cá trong và ngoài khu vực; Rà soát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Đề án phát triển nghề khai thức viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.

Sẽ thực hiện chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ảnh: ST

Để hoàn thành các dự án/đề án nêu trên, Kế hoạch đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó bao gồm việc rà soát các chính, quy định trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đồng quản lý trong khai thác thủy sản, các quy định phát triển nghề cá giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…

Bên cạnh đó, tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, điều chỉnh hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng bờ, vùng lộng; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Về phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Kế hoạch đặt ra hai nhiệm vụ cụ thể là: Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết chuỗi khai thác – thu mua – bảo quản – tiêu thụ hải sản/mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch cộng đồng tại cảng cá, làng chài ven biển; Hỗ trợ các hội, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, khu vực.

Về tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản, bao gồm bốn nhiệm vụ, gồm: Xây dựng kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm; Rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển; Rà soát hoàn thiện các quy định, kiểm tra, hướng dẫn triển khai Phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT); Tăng cường kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

Mặt khác, Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Cụ thể, đẩy mạnh xây dựng mô hình, phát triển nhân rộng ứng dụng, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản (ngư lưới cụ, thiết bị thông tin, ánh sáng, máy dò cá, tời thu lưới, thu câu, hầm bảo quản…) trong khai thác thủy sản. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng ban hành Quy chuẩn/Tiêu chuẩn Việt Nam liên quan về ngư cụ, tàu cá, cảng cá, về điều kiện, môi trường làm việc nghỉ ngơi của người lao động.

Về nâng cao hiệu quả của các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện ba nhiệm vụ cụ thể là: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng trung tâm nghề cá lớn tại các vùng trọng điểm; Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030; Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá

Ngoài ra, Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; In ấn cấp phát miễn phí cho cơ quan quản lý có liên quan và ngư dân. Cùng đó, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình theo Quyết định số 1090/QĐ-TTg; Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết theo từng giai đoạn của Chương trình.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!