T4, 28/08/2024 03:59

Triển lãm Thủy sản và Hải sản Quốc tế Thượng Hải năm 2024 chính thức khai mạc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Triển lãm Thủy sản và Hải sản Quốc tế Thượng Hải (SIFSE) lần thứ 18 diễn ra từ ngày 28 – 30/8 tại Trung tâm Triển lãm New International Thượng Hải, thu hút sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong ngành thủy sản toàn cầu.

Sự kiện năm nay quy tụ hơn 4.000 đơn vị triển lãm đến từ hơn 70 quốc gia và khu vực; cùng chuỗi hoạt động bên lề, bao gồm các hội thảo, diễn đàn và các buổi giao lưu chuyên sâu, giúp kết nối và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành. Triển lãm là nơi trưng bày đa dạng các loại sản phẩm thủy sản và hải sản từ khắp nơi trên thế giới, từ các sản phẩm tươi sống cho đến đông lạnh, chế biến sẵn và các sản phẩm giá trị gia tăng khác. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu những công nghệ mới, dịch vụ và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản.

Triển lãm Thủy sản và Hải sản Quốc tế Thượng Hải (SIFSE) năm 2023 đã thu hút 106.635 chuyên gia từ 67 quốc gia và khu vực, với quy mô ngày càng lớn mạnh, SIFSE 2024 hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng cho các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, đồng thời là nơi ghi nhận những xu hướng mới và đổi mới sáng tạo trong ngành thủy sản toàn cầu.

10h51, 28/8/2024

Tập đoàn Antey của Nga mở rộng vận chuyển cua sống sang Trung Quốc

Tập đoàn Antey, nhà khai thác cua lớn nhất của Nga, đang tăng cường vận chuyển cua sống từ biển Barents sang thị trường Trung Quốc, với cam kết tỷ lệ tử vong của cua đã giảm đáng kể. Theo ông Ivan Novikov, Phó Giám đốc điều hành của Antey, sự giảm thiểu tỷ lệ tử vong này là kết quả của những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là việc sử dụng các thùng chuyên dụng cho vận chuyển hàng không.

Tập đoàn Antey nắm giữ 18% tổng hạn mức khai thác cua tại Nga trong năm 2024, tương đương khoảng 20.000 tấn cua. Trong đó bao gồm 4.700 tấn cua hoàng đế đỏ, 2.090 tấn cua hoàng đế xanh, 11.800 tấn cua opilio và 500 tấn cua nâu.

Công ty đã phát triển các chuỗi logistics hiệu quả, cho phép vận chuyển cua sống từ Biển Barents đến Trung Quốc trong vòng vài ngày sau khi được đánh bắt bằng phương thức vận chuyển hàng không hoặc tuyến đường biển phương Bắc của Nga. Đối với các lô hàng vận chuyển bằng đường hàng không, cua được dỡ hàng tại cảng Murmansk, sau đó được vận chuyển bằng xe tải đến Moscow, từ đó có thể tiếp cận các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Cáp Nhĩ Tân, Quảng Châu và Hải Nam.

Tuyến đường biển phương Bắc, bắt đầu từ Murmansk và đi qua Petropavlovsk-Kamchatsky và Vladivostok, hiện có chi phí vận chuyển cao. Ông Novikov cho biết chỉ mới có từ 2 - 3 tàu tham gia vào hoạt động vận chuyển tại khu vực này.

10h49, 28/8/2024

Trung Quốc nhập khẩu 2,17 triệu tấn thủy sản trong nửa đầu năm 2024

Theo số liệu thống kê từ cơ quan hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2024, nước này đã nhập khẩu 2,17 triệu tấn thủy sản, trị giá 8,63 tỷ USD. Giảm 6,5% về khối lượng và 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá thủy sản nhập khẩu trung bình giảm 6,4%, tương đương 3,98 USD/kg, đây là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Riêng trong tháng 6/2024, giá đã giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,69 USD/kg.

Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1,86 triệu tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 9,10 tỷ USD, là mức thấp thứ 2 trong 12 năm qua, chỉ cao hơn mức 8,10 tỷ USD vào năm 2020. Con số này thấp hơn 17,5% so với đỉnh điểm 11 tỷ USD đạt được vào năm 2022. Giá thủy sản xuất khẩu trung bình cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 4,88 USD/kg, giảm 22,8% so với mức 6,32 USD/kg trong nửa đầu năm 2022.

16h52, 28/8/2024

Châu Á: Thị trường xuất khẩu tiềm năng cho cá hồi Coho Chile

AquaChile, nhà sản xuất cá hồi Coho lớn nhất của Chile, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục tại thị trường châu Á, trong mùa vụ 2022 - 2023, đặc biệt là tại Trung Quốc. Ông Rafa Tong, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á của AquaChile cho biết, công ty đã xuất khẩu 2.673 tấn cá hồi Coho sang Trung Quốc, tăng đáng kể so với mức 929 tấn của niên vụ trước đó.

Không chỉ tại Trung Quốc, doanh số của AquaChile tại các thị trường khác trong khu vực cũng tăng mạnh. Cụ thể, Việt Nam và Đài Loan đã đóng góp đáng kể với sản lượng lần lượt đạt 3.123 tấn và 4.250 tấn. Hàn Quốc đã tăng vọt lên 6.277 tấn, cao hơn nhiều lần so với mức 1.713 tấn của năm trước đó. Brazil cũng tăng từ 2.082 tấn lên 6.256 tấn. Nhật Bản duy trì vai trò quan trọng với 47% thị phần trong mùa vụ 2023 - 2024, mặc dù sản lượng đã giảm 52% trong năm trước đó. 

Trong mùa vụ 2023 - 2024, thị trường châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, chiếm 25% tổng thị phần cá hồi Coho Chile, giảm nhẹ so với mức 26% của mùa 2022 - 2023 nhưng tăng 10% so với mùa 2021 - 2022.

AquaChile đang mở rộng thị trường sang Ấn Độ. Sau khi mặt hàng cá hồi Coho Chile được mở bán trên Amazon Ấn Độ vào tháng 5/2024, doanh số tại các thành phố lớn như Mumbai, Delhi, Bangalore và Pune đã tăng 50%. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục phân phối mặt hàng này tới khu vực miền Nam Ấn Độ vào tháng 9 tới.

17h52, 28/8/2024

Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương nuôi trên đất liền dự kiến sẽ đạt 40.000 tấn vào năm 2025

Theo ông Andreas Thourd, Tổng giám đốc của Nordic Aqua Partners, sản lượng cá hồi Đại Tây Dương nuôi trên đất liền toàn cầu sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 40.000 tấn vào năm 2025, tăng 100% so với sản lượng dự kiến của năm 2024 ở mức 20.000 tấn. 

Các nhà sản xuất cá hồi lớn trên thế giới như Andfjord Salmon, Nordic Aqua và Gigante Salmon đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Những công ty này đặt mục tiêu gia tăng sản lượng sản xuất trong những năm tới. Ông Thourd nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng sản xuất cá hồi Đại Tây Dương thông qua các phương pháp phi truyền thống, như các cơ sở nuôi trên đất liền và nuôi ngoài khơi, để đáp ứng tốc độ gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, ước tính 5,5% mỗi năm.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, sản lượng cá hồi Đại Tây Dương trên toàn cầu, bao gồm cả nuôi lồng ngoài khơi, dự kiến sẽ tăng thêm 1.211 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 4%. Tuy nhiên, con số này giảm so với tốc độ CAGR 6% của giai đoạn 2011 - 2020 và 5% của giai đoạn 2001 - 2010.

Ông Thourd cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2024, nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương tươi của Trung Quốc đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 40% đến từ Na Uy, 24% từ Chile, 12% từ Australia và 9% từ Vương quốc Anh.

Công ty Nordic Aqua dự kiến sản xuất từ 4.500 - 5.000 tấn vào năm 2025, tăng mạnh so với mức 1.123 tấn vào năm 2024. Ông Thourd cũng tiết lộ rằng công ty đang đặt mục tiêu nâng sản lượng hàng năm lên 12.000 tấn trong giai đoạn 3 của dự án.

Oanh Thảo 

Theo Undercurrentnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!