THỨ BẢY, ngày 10/5/2025

Triển vọng cá leo thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá leo là loài cá da trơn, giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, chúng có khả năng thích nghi tốt với sự biến đổi của môi trường, cho giá trị kinh tế cao.

Đặc điểm sinh học

Cá leo có thân rất dài và dẹp bên, không có vảy, đầu dẹp bằng, trán rộng, miệng không co duỗi được. Cá có hai đôi râu, râu hàm trên dài tới khởi điểm vây hậu môn, râu hàm dưới dài đến góc miệng. Mắt nhỏ, không nằm dưới da, phần trán giữa hai mặt rộng và cong lồi. Lỗ mang rộng và màng mang không dính với eo mang.

Đây là loài cá nước ngọt, phân bố rộng ở Nam và Đông Nam châu Á, cá thường sống trong hang dọc những con sông, hồ và bể lớn, có thể sống cả ở nước ngọt và nước lợ. Nhiệt độ thích hợp để cá leo sống và sinh trưởng là 22 – 250C, pH từ 6 – 7,6. Cá leo là loài cá dữ và chuyên kiếm ăn vào ban đêm. Tính ăn của nhóm cá da trơn nghiêng về thức ăn có nguồn gốc động vật. Dựa vào hình thái cấu tạo của răng, miệng và kết quả phân tích thức ăn trong ống tiêu hóa của cá cho thấy thức ăn ưa thích là động vật sống ở đáy thủy vực như giáp xác, thân mềm, ấu trùng côn trùng thủy sinh, kể cả những côn trùng trên cạn.

Cá leo cũng như các loài cá khác, sự sinh trưởng chiều dài nhanh nhất vào năm đầu và sau đó giảm dần. Cá càng lớn thì sự sinh trưởng theo chiều dài càng chậm. Cá leo có thể đạt kích cỡ chiều dài đến 200 cm, tuy nhiên phổ biến ở mức  80 cm, kích cỡ tối đa nặng đến 25 kg. Cá leo trong tự nhiên là loài chỉ sinh sản một lần trong năm, mùa vụ sinh sản của cá tập trung vào các tháng 5, 6, 7.

Giá trị kinh tế cao

Cá leo là một trong 97 loài cá kinh tế nước ngọt được thống kê ở Việt Nam và phân bố chủ yếu ở Nam bộ (Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ). Ở khu vực ĐBSCL cá xuất hiện nhiều vào tháng 5 – 8 (âm lịch) hàng năm. Cá leo hiện nay được xếp vào loài cá quý, hiếm cần được bảo tồn. Về mặt kinh tế, đây cũng là một đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thể chọn làm đối tượng nuôi mới để đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi, phát triển thêm mô hình nuôi và tăng thu nhập cho người dân. Trước thực tế đó, được sự đồng ý và đầu tư kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, từ năm 2006 – 2008, Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo và ương giống cá leo. Kết quả nghiên cứu trong 2 năm, đã xác định được các thông số kỹ thuật cho quy trình sinh sản nhân tạo cá leo. Những con giống đầu tiên được sản xuất bằng phương pháp sinh sản nhân tạo đã được đưa ra cho nông dân nuôi thử nghiệm trong ao tại TP Long Xuyên. Đánh giá bước đầu cá tăng trưởng rất nhanh, sau gần 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 1 kg/con.

Từ đó đến nay, cá leo đã trở thành đối tượng được rất nhiều địa phương quan tâm như Nghệ An, Lâm Đồng… Đặc biệt tại Quảng Trị, nhằm chuyển giao các đối tượng thủy sản nước ngọt mới có giá trị kinh tế cao, trong 3 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã chuyển giao, xây dựng các mô hình điểm nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể tại huyện Vĩnh Linh (năm 2019) huyện Cam Lộ (năm 2020) và huyện Gio Linh (năm 2021). Qua kết quả của các mô hình thử nghiệm, bước đầu đã có thể khẳng định cá leo là đối tượng nuôi mới đầy triển vọng. Bởi ngoài những ưu điểm vượt trội như: khả năng thích nghi tốt, dễ nuôi, ít dịch bệnh, thời gian tăng tưởng nhanh… thì cá leo còn có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với những loại cá truyền thống trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai mô hình này ra các địa phương khác trong nhằm đánh giá sự phù hợp với điều kiện tự nhiên và thuận lợi cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi cá leo.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!