(TSVN) – Ngày 25/11/1971, Việt Nam và Na Uy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. 50 năm qua, quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong lĩnh vực kinh tế, tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng 165 lần trong giai đoạn 1995 – 2020. Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Na Uy còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là kinh tế biển.
Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, Na Uy và Việt Nam đều có bờ biển dài và phụ thuộc nhiều vào kinh tế biển. Hiện cả hai đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn rất nhiều trong lĩnh vực NTTS. Điển hình, vào tháng 5/2021, Bộ Công thương và Thủy sản Na Uy đã ký Ý định thư với Bộ NN&PTNT Việt Nam về việc hợp tác trong lĩnh vực NTTS; đây là một bước tiến rất quan trọng đối với cả hai nước. Ngoài ra, trong thời gian qua, các trường đại học ở Na Uy và Đại học Nha Trang của Việt Nam vẫn luôn duy trì hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu phát triển các khóa đào tạo về NTTS ở Việt Nam, cũng như về cơ hội giao lưu, trao đổi học sinh, sinh viên giữa hai nước.
Mặt khác, theo bà Grete Lochen Việt Nam có tiềm năng lớn trong xuất khẩu các loại thủy sản, chẳng hạn như các loại tôm, cá nhiệt đới. Việt Nam cũng nằm trong top các quốc gia xuất khẩu thủy, hải sản trên thế giới. Hiện Việt Nam cũng đang xuất khẩu tôm chất lượng cao sang Na Uy. Rất nhiều doanh nghiệp Na Uy đã thấy được tiềm năng xuất khẩu công cụ và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản sang Việt Nam.
Na Uy, quốc gia nằm ở khu vực Bắc Âu đang có nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản lớn trong dịp nghỉ lễ cuối năm và cũng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt vào mùa đông để đánh bắt và nuôi trồng các loại thủy, hải sản như tôm, ghẹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang Na Uy trong 10 tháng đầu năm nay đạt gần 22,5 triệu USD, tăng gần 200% so cùng kỳ năm ngoái (gần 8 triệu USD).
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Na Uy – ông Lê Hồng Lam thông tin, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Na Uy trong năm 2020 tăng 19,52% so năm 2019 đạt 528,5 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy đạt 216,9 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt 311,6 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương đạt 365,5 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy đạt 103,7 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt 261,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm: thủy sản, hạt điều, dệt may, giày dép, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Na Uy gồm: thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng khác, phân bón hóa chất và sản phầm từ sắt thép.
Trải qua năm thập niên, Na Uy và Việt Nam đã và đang duy trì tình hữu nghị đoàn kết và mối quan hệ tốt đẹp. Hai nước có nhiều điểm tương đồng: cả hai đều là những quốc gia biển, có ngành thủy sản phát triển mạnh và đều nằm trong số 10 quốc gia có nghề cá lớn nhất thế giới.
Na Uy đã giúp Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên. Các cơ sở nghiên cứu của Na Uy đã và đang hợp tác để biến Đại học Nha Trang thành một trung tâm học thuật lớn mạnh có chất lượng, năng lực trong đào tạo thủy sản. Các công ty đóng tàu nổi tiếng của Na Uy như Vard đã hoạt động tại Việt Nam. Hiện nay, hai quốc gia đang cùng nhau nghiên cứu thúc đẩy và phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam.
Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Na Uy, ngày 25/11, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland , Na Uy, Latvia), Cơ quan Xúc tiến thương mại Na Uy (Innovation Norway) và các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình Hội nghị, giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy với chủ đề “Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong tình hình mới”.
Thông tin tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã chia sẽ những mặt hàng tiềm năng Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Na Uy, trong đó tập trung vào các mặt hàng thủy sản, nông nghiệp… Các thông tin cụ thể về mặt hàng, giá trị xuất khẩu, lợi thế của mặt hàng Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực được truyền tải tới các tổ chức, doanh nghiệp Na Uy tham gia chương trình.
Ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội Thủy sản Na Uy cũng giới thiệu về các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thủy sản tại Na Uy cũng như những thị hiếu tiêu dùng của người dân Na Uy đối với mặt hàng thủy sản. Theo Rortveit, cả Việt Nam và Na Uy đều có bờ biển dài và khai thác lợi ích từ kinh tế đại dương và giao thương giữa hai nước đối với các sản phẩm liên quan đến đại dương có tiềm năng rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy Janicke Andreassen đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Na Uy và Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khi hậu, phát triển bền vững…. Theo bà, việc Việt Nam tham gia vào các FTAs trong đó có Hiệp định EVFTA và một số các hiệp định khác, đã tác động tích cực đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm gần đây.
Hồng Hạnh