T2, 27/03/2023 08:13

Triển vọng thị trường thức ăn chăn nuôi 2023

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2022, địa chính trị trở thành tâm chấn của nền kinh tế toàn cầu. Cùng đó, lạm phát tăng cao đã cản trở quá trình phục hồi kinh tế, nhất là giai đoạn hậu COVID-19. Ngành thức ăn chăn nuôi cũng không tránh khỏi những khó khăn chung.

Nhu cầu protein trở thành tâm điểm trong bối cảnh hiện nay. Lạm phát gia tăng có thể tác động đến các nhà phân phối thành phẩm trong chuỗi cung ứng. Những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng cũng tác động trực tiếp đến hoạt động của nhà cung cấp nguyên liệu. Do đó, cung và cầu hợp lý là mắt xích quan trọng và các công ty thức ăn chăn nuôi đều nhận thức được điều này nên đang nỗ lực tạo sự khác biệt giữa các xu hướng khu vực. Ông Pierre- Joseph Paoli, Giám đốc lĩnh vực phụ gia và thành phần thức ăn chăn nuôi, Công ty ADM Animal Nutrition cho biết, nhu cầu tiêu thụ protein có thể giảm ở các nước phát triển, nhưng tại những khu vực còn rủi ro an ninh lương thực, thì cá, thịt gia cầm và thịt heo vẫn là những thực phẩm quan trọng.

Các công ty thức ăn thủy sản đã tìm kiếm giải pháp bền vững hơn bằng việc chú trọng tiết kiệm năng lượng, tính bền vững và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Ảnh: Allaboutfeed

Áp lực lạm phát

Lạm phát tác động mạnh lên giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Mức độ tác động có thể khác nhau tùy khu vực, trong đó châu Âu phải chịu thêm áp lực lạm phát do chi phí năng lượng leo thang, ngoài giá nguyên liệu tăng cao. Theo phản ánh của các nhà máy thức ăn chăn nuôi, khách hàng của họ đang kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ giảm vào năm 2023, nhưng không chắc chắn về thời điểm và mức độ giảm.

Ông Peter Coutteau, Giám đốc kinh doanh chi nhánh NTTS tại Adisseo cho rằng, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không giảm mà vẫn cao hơn nhiều so với mức thông thường. Theo ông, một trong những giải pháp đối phó khủng hoảng giá nguyên liệu là tăng cường sử dụng các thành phần dinh dưỡng thay thế. Dầu tảo omega-3 đã được sử dụng rộng rãi hơn trong năm 2022 do nguồn cung dầu cá trên thế giới vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Các chuyên gia trong ngành thức ăn chăn nuôi cũng dự báo năm 2023 sẽ đón nhận sự xuất hiện của nhiều thành phần dinh dưỡng thay thế mới. Một xu hướng khác ở châu Âu là sử dụng protein động vật đã chế biến (PAP) để sản xuất thức ăn chăn nuôi vào năm 2022, mặc dù quy mô hạn chế do vướng nhiều quy định khắt khe.

Một số nhà cung cấp đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chi phí để hạn chế phản ứng dây chuyền của lạm phát và chi phí chuỗi cung ứng gia tăng. “Chúng tôi đã đưa ra các mức tăng giá cần thiết để duy trì khả năng sản xuất và thực hiện cải tiến cần thiết để đảm bảo nguồn cung hiện tại và gia tăng giá trị tương lai, đồng thời khử carbon cho chuỗi cung ứng. Đây là một giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn nhưng không khắc phục được những lỗ hổng bên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, chúng tôi đang đầu tư để đảm bảo chuỗi cung ứng khỏe mạnh và đa dạng”, ông Benedict Standen, người đứng đầu bộ phận NTTS toàn cầu tại DSM Animal Nutrition and Health giải thích.

Cùng đó, các sự kiện khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa. Ông Martin Johannessen, Tổng Giám đốc Hội Dầu cá, bột cá Thế giới (IFFO) cho biết, sản lượng bột cá thế giới không thay đổi, trong khi sản lượng dầu cá ở lại khác nhau ở mỗi khu vực. Ông Log Bergjord, CEO của Skretting cho rằng, các công ty thức ăn chăn nuôi cần phải tính đến các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, giảm khí thải carbon và dấu chân carbon.

Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị gián đoạn sau đại dịch. Trước đó, đại đa số công ty mua hàng đều thực hiện chiến lược phòng bị để đảm bảo nguồn cung và tích trữ lượng lớn hàng tồn kho. Nửa cuối năm 2022, chuỗi cung ứng ổn định hơn, đồng thời chi phí vận chuyển đang giảm xuống. Nhưng lạm phát lại gia tăng có nghĩa doanh nghiệp trên phải kiểm soát hàng tồn kho tốt hơn, theo Subramanian, Giám đốc chương trình toàn cầu về thủy sản tại Selko Feed Additives. Chuyên gia này cũng cho rằng các công ty sẽ quay lại phương thức mua hàng “đúng thời điểm” để quản lý rủi ro tài chính.

Công nghệ đi lên

Năm 2022, các công ty thức ăn thủy sản đã tìm kiếm giải pháp bền vững hơn. Họ chú trọng tiết kiệm năng lượng, tính bền vững và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tất cả các yếu tố này đều gắn liền với nhau nên chúng tôi nhận thấy khách hàng đang tìm kiếm nhà cung cấp có thể đưa ra giải pháp hoàn chỉnh, Gunnar Hallmann, Giám đốc thủy sản tại Andritz cho biết.

Căng thẳng địa chính trị ở châu Âu đã châm ngòi cuộc khủng hoảng năng lượng và các công ty thức ăn chăn nuôi cùng các hãng công nghệ tại đây đang hành động để giải quyết vấn đề này. Theo Hallmann, căng thẳng ở châu Âu kéo theo một số diễn biến mới trên thị trường như xu hướng tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế để duy trì sản xuất.

Hiệu quả sản xuất tăng đòi hỏi đầu tư tài chính lớn, theo Albert Wang, Giám đốc kinh doanh tại Idah. Ở các nước châu Á, tính hiệu quả phụ thuộc vào áp dụng công nghệ sản xuất mới để chuyển từ quy trình sử dụng nhiều lao động sang quy trình tự động hóa. Thị trường châu Âu tuy đã phát triển, nhưng đứng trước một cuộc khủng hoảng năng lượng, các hãng thức ăn chăn nuôi cần phải tìm cách sử dụng năng lượng hiệu quả về chi phí và môi trường.

Điều chỉnh sản xuất

Nông dân đã điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với các nhà phân phối thành phẩm, nhưng cũng lo ngại giá thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn bởi áp lực lạm phát đang ảnh hưởng đến chi phí nuôi và lợi nhuận. Do đó, các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp cho nông dân giảm thiểu tác động của lạm phát ngay lúc này đó là tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và tối ưu hóa công thức thức ăn.

Johannessen phân tích, thức ăn chiếm chi phí lớn nhất trong chăn nuôi. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao đã thu hẹp biên độ giữa chi phí sản xuất và giá bán ở nhiều khu vực. Trong bối cảnh như vậy, việc cải thiện tỷ lệ biến đổi thức ăn vô cùng quan trọng đối với cả nhà sản xuất thức ăn và nông dân.

Trong thời điểm giá nguyên liệu thức ăn tăng cao, điều quan trọng hơn đối với nông dân là giảm thiểu thức ăn bị lãng phí, gồm thức ăn thừa và thức ăn không tiêu hóa được. Chế độ ăn hiệu quả hơn không chỉ mang lại FCR thấp hơn mà còn giảm các yêu cầu về sục khí, xử lý nước…, Mark Rowel Napulan, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á của Zeigler cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Coutteau chia sẻ, các chương trình nghiên cứu và hỗ trợ khách hàng của chúng tôi tập trung vào việc cải thiện tiêu hóa và trao đổi chất của cá và tôm. Thông qua sử dụng chất hỗ trợ tiêu hóa, nhà máy thức ăn là khách hàng của chúng tôi có thể tận dụng tối đa nguyên liệu hiện có và mang lại hiệu quả chi phí tốt hơn cho các trang trại khách hàng của họ.

Dũng Nguyên

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!