Trifluralin – doanh nghiệp nói gì?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản Việt Nam) – Lĩnh vực xuất khẩu thủy sản phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Vấn nạn bơm chích tạp chất vào nguyên liệu tôm sú chưa dẹp bỏ nay phải đối mặt với việc truy xuất nguồn gốc của chất Trifluralin có trong các loài thủy sản, cụ thể là tôm sú và cá basa (hai loại thủy sản gặp nhiều nhất). Người nuôi tôm ở ĐBSCL và cả các nhà máy chế biến đang rất đau đầu về vấn đề này.

 

“Phải quản chặt thuốc thú y thủy sản”

 

 

Vụ mùa năm 2010 mới đây, “vua tôm” Sáu Ngoãn cũng gặp phải với chất Trifluralin. Ông kết hợp với nhà máy chế biến mang tôm và tất cả những gì “đổ” xuống ao đi xét nghiệm như chất đất, thức ăn, thuốc vi sinh, các loại thảo dược như tỏi, mật ong đều không có các chất cấm và các chất có Trifluralin. Nhưng có một số sản phẩm thuốc có chất Trifluralin như  sản phẩm MKC, BK-Cide (Đức) các loại thuốc này ông dùng để diệt khuẩn, đóng rong, diệt giáp xác. Ông cho biết thêm, ông đâu có ngờ những sản phẩm thuốc này của các công ty lớn có uy tín lại sản xuất ra những loại thuốc cấm, ông lại khẳng định, lỗi này không phải do ông mà do ngành chức năng, nhà quản lý thủy sản không có tuyên truyền phổ biến để người nuôi như ông kịp thời khắc phục.

 

Chất Trifluralin – đang làm đau đầu người nuôi tôm và doanh nghiệp
 chế biến        Ảnh: Thanh Nhã

 

“Vua tôm Bạc Liêu” Võ Hồng Ngoãn cho biết: “Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang thực hiện xu hướng nuôi tôm sạch, bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm sạch, giữ vững môi trường đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Một bài học trước đây, vấn nạn bơm chích tạp chất tự mình hủy hoại chất lượng sản phẩm của mình làm ra, làm mất uy tín phía đối tác, ảnh hưởng đến không xuất khẩu được, hoặc làm giảm sản lượng tôm xuất khẩu, kéo theo làm giảm lợi nhuận chung ảnh hưởng đến người nuôi, nhà máy chế biến… hậu quả trong việc này là nông dân nuôi tôm gánh chịu nặng nhất. Nhà máy chế biến và người nuôi chưa hết mừng nay lại xảy ra vấn nạn tôm bị nhiễm Trifluralin có trong thuốc thú y thuỷ sản đây là trách nhiệm của ngành quản lý hay nhà sản xuất thuốc thú y thủy sản?”

 

 

“Thủy sản Việt Nam đang bị ép”

 

 

Lĩnh vực thủy sản chúng ta hiện nay đang tạo ra thương hiệu sạch để có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, thì đối tác nước ngoài tìm đủ mọi cách để chèn ép người nuôi thủy sản nước ta. Anh Trương Minh Giàu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt An, nói: Đối tác nước ngoài mỗi lần qua Việt Nam khảo sát các vùng nuôi là họ có một quy định mới, bắt người nuôi thủy sản Việt Nam phải chạy theo. Cụ thể gần đây, khi đối tác của Mỹ đến làm việc với các tỉnh nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL, họ quy định chúng ta nuôi phải đảm bảo an toàn sạch bệnh, quy định nhiều mục, trong đó, nước nuôi cá phải lấy từ nguồn nước ngầm để đảm bảo an toàn vệ sinh. Trong khi đó, chúng tôi đến tham quan khảo sát vùng nuôi tại Mỹ thì chẳng thấy họ đáp ứng yêu cầu ngặt nghèo như áp dụng đối với ngành thủy sản của Việt Nam.

 

Phiếu xét nghiệm của ao tôm ông Võ Hồng Ngoãn vụ mùa vừa qua,

các chất đất thuốc vi sinh và thảo dược đều không có chất nhiễm,

riêng các loại thuốc diệt giáp xác, diệt khuẩn như sản phẩm MKC,

 BK-Cide (Đức) bị nhiễm Trifluralin vượt mức cho phép

 

 

“Nông dân, nhà chế biến không có lỗi”

 

 

Phó Tổng giám đốc Công ty Seaprodex Minh Hải ở tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Hiện nay, thị trường Nhật kiểm tra hết sức chặt chẽ, trước kia trong 10 lô hàng phía đối tác bóc ngẫu nhiên để kiểm tra, nay tất cả các lô hàng nhập vào đều bị kiểm tra, họ đã phát hiện nhiều lô hàng của Việt Nam bị “dính” chất Trifluralin. Ở đây không phải lỗi do nông dân hay nhà máy chế biến mà là do các công ty sản xuất thuốc thú y thủy sản, sản xuất ra để người nuôi thủy sản sử dụng?!”.

 

Xem ra, các bộ ngành liên quan và ngành quản lý phải kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm thuốc thú y thủy sản có hàm lượng Trifluralin trên thị trường hiện nay và thông báo cho người nuôi thủy sản biết mà tìm cách khắc phục kẻo không kịp, vì sự tồn tại con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới”.

 

>> Theo số liệu từ VASEP, trong 2 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng nên Nhật Bản cần nhập khoảng 10.000 tấn tôm sú của Việt Nam (nâng tổng sản lượng ước tính cả năm vào khoảng 50.000 tấn) thì số tiền mà các doanh nghiệp phải chi ra để kiểm tra Trafluralin cho 10.000 tấn tôm nói trên là rất lớn, trong khi, đây là các hợp đồng đã ký nên doanh nghiệp không thể lấy lý do tăng chi phí xét nghiệm để tăng giá bán đươc.

 

Ngô Thanh Nhã

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!