Trợ lực xuất khẩu từ các FTA

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau hơn 20 năm xâm nhập thị trường quốc tế, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục 11 tỷ USD. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc… ngành thủy sản trong nước đã và đang nỗ lực phát triển thêm thị trường tiềm năng mới, khai thác tối đa các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong năm 2023.

Mở rộng thị phần

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thành tích về kim ngạch xuất, nhập khẩu và duy trì xuất siêu trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của các FTA thế hệ mới. Cụ thể xuất siêu sang các thị trường năm 2022 ước đạt trên 30 tỷ USD, tức không có thị trường FTA thế hệ mới chúng ta đã nhập siêu mà không phải xuất siêu. Đây là các thị trường khó tính nên việc hàng hóa của Việt Nam tìm được chỗ đứng đã cho thấy năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp đã có những bước cải thiện giúp cho Việt Nam từng bước khai thác hiệu quả hơn các FTA thế hệ mới.

Cụ thể như, nhờ thực thi Hiệp định EVFTA, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20%, xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so năm trước. Cũng nhờ tận dụng Hiệp định UKVFTA đã tạo điều kiện để xuất khẩu sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD. Các FTA là trợ lực lớn cho xuất khẩu. Nhờ các tiêu chuẩn cao từ những nước nhập khẩu đã thôi thúc doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn từ các thị trường lớn.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt cần có chiến lược, giải pháp để có thể tận dụng và không bỏ lỡ cơ hội từ các FTA. Ảnh: BHT

Với khu vực thị trường Hiệp định CPTPP, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so năm 2020. 10 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% (ước xuất khẩu cả năm hơn 50 tỷ USD), nhập khẩu 43 tỷ USD, tăng 16,26%. Việt Nam ghi nhận xuất siêu sau 10 tháng đạt 4,4 tỷ USD và dự kiến cả năm khoảng 5 tỷ USD từ khu vực thị trường này.

Với lĩnh vực thủy sản, hiện Việt Nam đã xuất khẩu đi 160 thị trường trên thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản luôn ở trong tư thế sẵn sàng, khi thị trường có nhu cầu sẽ lập tức cung cấp hàng hóa. Đối với mặt hàng cá tra, chỉ cần có đơn hàng thì doanh nghiệp cũng có thể sản xuất 1 – 2 container/ngày. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm qua, khu vực EU nhập khẩu của Việt Nam 1,3 tỷ USD, tăng 21% so năm 2021. Ở nhóm hàng thủy sản, gồm cá tra và sản phẩm khác, nếu không có Hiệp định EVFTA thì mức thuế suất ở mức 20%. Tuy nhiên, cam kết từ EVFTA đã giúp xóa bỏ thuế với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm; xóa 90,3% kim ngạch trong 5 năm và 100% trong 7 năm.

Chiến lược tận dụng thời cơ

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phải có chiến lược, giải pháp cụ thể, phù hợp với đơn vị để sẵn sàng thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt hoặc thay đổi bất ngờ của thị trường. Có ba vấn đề chính doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chuẩn bị kỹ lưỡng đó là nguồn tài chính, nguồn nhân lực vững chắc, đảm bảo hoạt động nuôi trồng không bị gián đoạn để có nguyên liệu sản xuất…

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng quản lý xuất, nhập khẩu (Sở Công thương TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để mở rộng xuất khẩu trên cơ sở những thị trường sẵn có, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố và đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường những nước tham gia các FTA. Từ đó chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu, nhằm tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tận dụng tối đa ưu đãi, lợi thế của các nước trong khối ASEAN và các nước đã ký FTA với Việt Nam.

Để tiếp tục phát huy vai trò của các FTA thế hệ mới trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công thương sẽ chú trọng triển khai một số nhiệm vụ cụ thể đó là: Chủ động tham mưu với Chính phủ xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương mới của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là tranh thủ quan hệ trong các FTA để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng và một số ngành mang tính đột phá; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng cường theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và khu vực; chủ động đánh giá tác động đến sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới. Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng tong thương mại quốc tế. Chú trọng việc hội nhập ở cấp độ địa phương, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường thế giới.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP thì cho rằng, để tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định FTA như thuế xuất nhập khẩu, các cơ hội khác và tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, trước hết các doanh nghiệp thủy sản cần nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA; tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như tại các nước đối tác trong FTA. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao), doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, trách nhiệm xã hội và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Để có đơn hàng các doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh và chủ động đáp ứng các quy định của thị trường. Ngoài việc tự nâng cao năng lực quản lý, thay đổi phương thức sản xuất theo xu hướng người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thì các doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Đặc biệt là về vấn đề cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là với các nhóm giải pháp thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp thông lệ quốc tế khi Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới. Mặt khác, nhằm tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam, thì tự thân các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài cho kế hoạch trung và dài hạn, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu, hướng đến phát triển hình ảnh và xây dựng thương hiệu quốc gia cho toàn ngành. Trong đó là chủ động thay đổi phương thức sản xuất và kinh doanh theo xu hướng xanh trong cả chuỗi sản xuất thủy sản.

>> Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, những sản phẩm tiềm năng như cá tra sẽ có cơ hội phát triển tốt và duy trì xuất khẩu ổn định trong năm 2023. Tôm ở phân khúc thị trường giá trị cao sẽ gặp khó khăn hơn còn đối với cá ngừ cơ bản có thể duy trì xuất khẩu. Một số sản phẩm thủy sản khác sẽ có hy vọng được mở rộng, đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc không còn COVID-19, nên coi đây là một trong những hướng để bù đắp lại sự sụt giảm ở một số thị trường khác.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!