T2, 06/07/2020 09:46

Trở ngại rào cản phi thuế quan!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Hàng năm, xuất khẩu thủy sản nước ta đã đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước và theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2010 ước đạt khoảng 4,5-4,7 tỷ USD. Tuy nhiên, càng thâm nhập sâu vào thị trường thế giới thì xuất khẩu thủy sản nước ta càng gặp nhiều khó khăn hơn do các rào cản phi thuế quan.

Còn nhiều bất cập trước yêu cầu từ các nước nhập khẩu

Những tháng đầu năm 2010, đã gặp không ít khó khăn về việc khan hiếm nguồn nguyên liệu, giá cả không ổn định, ngành thủy sản Việt Nam còn phải đối mặt với những những khó khăn do các quy định khắt khe mang tính bảo hộ ngày càng nhiều từ các nước nhập khẩu. Muốn đứng vững ở thị trường xuất khẩu, không còn cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phá vỡ thế qui mô sản xuất nhỏ, mặt hàng có giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu có uy tín… trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của thị trường xuất khẩu.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, thị trường EU vẫn là nơi có rất nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khách hàng EU không chỉ tìm hiểu kỹ điều kiện của cơ sở chế biến, kinh doanh thủy hải sản mà họ còn muốn biết tường tận nguồn gốc ở vùng nào, khai thác có hợp pháp không, chế độ, điều kiện nuôi ra sao… Tiêu chuẩn Global GAP và quy định IUU (illegal unreported and unregulated fishing) đối với các mặt hàng thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng và khai thác, là một trong những chuẩn hóa mà EU đưa ra với hàng nhập khẩu từ các nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, VN chỉ mới có một vùng nuôi tôm và 4 vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP, còn đối với công tác chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác thì vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện. Một số thị trường khác như Nga và Mỹ cũng ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng mới có thể thâm nhập sản phẩm sâu rộng vào đây. Mặc dù vậy, hiện tại các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa ý thức rõ ràng về những thách thức mới này.

Hiện nay, một trong những tồn tại lớn của ngành thủy sản nước ta vẫn là nuôi trồng thủy sản với qui mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch gắn với nhu cầu của thị trường cũng như áp dụng các tiêu chuẩn nuôi an toàn mang tính quốc tế. Đối với khai thác thủy sản, tàu thuyền và phương tiện khai thác chậm đổi mới, các dịch vụ hậu cần chậm phát triển, chưa đáp ứng kịp yêu cầu và nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ. Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ quan tâm đến giá cả và lợi nhuận trước mắt, họ chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chưa có sự đầu tư đúng mức cho xây dựng được thương hiệu riêng và tạo chỗ đứng vững chắc cho mình.

 

Liên kết vững chắc giữa nuôi trồng và chế biến thủy sản là nâng cao chất lượng sản phẩm Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nâng cao chất lượng là chìa khoá thành công

Nhìn chung, sản phẩm thủy sản Việt Nam đang dần được thị trường chấp nhận, song một số sản phẩm do đang được nuôi trồng với số lượng và quy mô lớn nhưng chưa có kế hoạch và phương hướng bao tiêu hợp lý, dẫn đến việc các nhà xuất khẩu Việt Nam tự cạnh tranh với nhau ngay trên “sân nhà”. Điều này là nguyên nhân chính dẫn tới việc hàng của ta không đủ sức cạnh tranh với các nhà xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Vì vậy, để có thể đưa hàng qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Nga…, các doanh nghiệp xuất khẩu nên tự tìm cho mình một chiến lược an toàn trong lĩnh vực thanh toán cũng như quan tâm đúng mức tới chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ muốn đưa hàng vào Hàn Quốc và Nhật Bản các doanh nghiệp nên chú ý đến quy cách chất lượng hải sản, trái lại muốn xuất hàng qua EU thì cần chú ý tiêu chuẩn vi sinh…

Nếu như trước đây, nhà nhập khẩu có thể mua hàng qua điện thoại hay thư điện tử, nghĩa là doanh nghiệp mua nguyên liệu ở đâu cũng được miễn là đạt chất lượng, đúng cỡ hàng. Nhưng nay, họ yêu cầu bên bán phải có vùng nuôi, rồi họ cho người đến kiểm tra, tận mắt chứng kiến quy trình nuôi, đạt theo yêu cầu thì họ mới mua. Những yêu cầu này có thể nói vừa là cơ hội cho vùng nuôi thủy sản ĐBSCL và cả nước ổn định thị trường, tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng nhưng cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp và cả những người nuôi thủy sản hiện nay.

Hiện nay, một số doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam đã chuẩn bị tốt trước yêu cầu của các nước nhập khẩu bằng cách xây dựng hệ thống sản xuất khép kín, liên tục từ nhà xuất khẩu, nhà máy chế biến đến vùng nuôi. Đặc biệt là tại vùng nuôi, họ phải truy xuất được nguồn cung cấp con giống, loại thuốc thú y đã sử dụng, thời gian nuôi, chỉ tiêu môi trường… bằng việc xin cấp giấy chứng nhận Global GAP, SQF… Đây là tấm giấy thông hành tốt giúp thủy sản Việt Nam có thể tự tin thâm nhập tới các thị trường khó tính như EU, Mỹ.

 

>> Theo Vasep, điều cần thiết hiện nay với ngành thủy sản Việt Nam là nâng cao chất lượng thủy sản của các doanh nghiệp chế biến, xây dựng một mối liên kết thực sự vững chắc giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tiềm ẩn từ các nước nhập khẩu và tăng giá trị cho thủy sản nước nhà.

THÀNH CÔNG

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!