T5, 20/08/2020 09:23

Trông chờ đòn bẩy EVFTA

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng đang rất trông chờ vào thị trường EU khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, EU là một thị trường khó tính, để tận dụng các lợi thế, doanh nghiệp và người nuôi cần sớm thích ứng.

Cơ hội rộng mở

EVFTA là một hiệp định toàn diện thế hệ mới và là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia có mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Đánh giá về Hiệp định này có những luồng ý kiến khác nhau. Đa số các doanh nghiệp và người nuôi cho rằng đây là một cơ hội không thể tốt hơn để sản phẩm Việt Nam xâm nhập vào EU, điều mà tất cả các quốc gia đều mong ước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến lo ngại rằng với một quốc gia đang ở mức thu nhập trung bình, liệu Việt Nam có “kham nổi” những yêu cầu tiêu chí của Hiệp định?

Ngay từ những năm đổi mới 1986, châu Âu luôn là thị trường quan trọng bậc nhất của ngành thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ lệ lớn trong tổng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước thành viên EU, đặc biệt là Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và Bỉ. Hai sản phẩm tôm và cá tra chiếm tỷ trọng lần lượt 45% và 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. EU thường chiếm trên 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời điểm từ năm 2017, xuất khẩu vào EU gặp rất nhiều trở ngại và dường như đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung cần thiết. Đặc biệt là sự kiện Việt Nam bị EU phạt “thẻ vàng” IUU hồi tháng 10/2017. Sau sự kiện này, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 giảm 7% so năm 2017.

Nhưng, EVFTA được xem là cơ hội mở ra cánh cửa xuất khẩu vào châu Âu của ngành thủy sản: gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 – 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 – 22% sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 – 26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm.

Tại cuộc điện đàm mới đây với bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đây là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020; mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn đưa quan hệ Việt Nam – EU lên tầm cao mới, là sự kiện có ý nghĩa đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam – EU thiết lập quan hệ ngoại giao (1990 – 2020). Trong thông cáo báo chí ngày 31/7/2020, EC khẳng định lại rằng, EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển và EU hy vọng đây sẽ là cơ hội cho người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn.

 

Cần thêm thời gian

Mặc dù, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 song thực tế ngay khi được ký kết vào năm 2019 nó đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành thủy sản Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp lớn của ngành thủy sản cho biết: “Cái khó của hiệp định đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Chỉ những sản phẩm được nuôi trồng chế biến tại Việt Nam mới được hưởng các ưu đãi thuế khi vào châu Âu. Trong khi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập khẩu nguyên liệu để xuất khẩu”. Tuy nhiên, năm 2019 đánh dấu việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ các quốc gia khác và bắt đầu quá trình mở rộng diện tích nuôi trồng trong nước để phục vụ cho thị trường châu Âu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu một số doanh nghiệp xuất khẩu ảnh hưởng đáng kể.

Việc thực thi EVFTA hứa hẹn sẽ đem lại sự thay đổi tích cực cho ngành thủy sản Việt Nam trong cuối năm 2020 và năm 2021. Dự kiến xuất khẩu thủy sản vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020 – 2030. Hiện, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế lên đến 10,8% nên việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng thủy sản sẽ tạo thuận lợi cho sản phẩm từ Việt Nam.

Song, có lẽ sẽ chưa có phép màu đối với xuất khẩu vào EU, vì những khó khăn trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ khi mà Việt Nam vẫn chi hàng tỷ USD vào việc nhập khẩu nguyên liệu cho ngành thủy sản. Việc tăng cường nuôi trồng nội địa, truy xuất nguồn gốc… để xuất khẩu vào châu Âu theo EVFTA sẽ “cần có một thời gian để hiện thực hóa”.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!