Trồng rong biển: Kỳ vọng bứt phá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cùng với các lĩnh vực khác của ngành thủy sản thì việc phát triển rong biển đang là một lợi thế rất lớn tại Việt Nam. Khi đây là đối tượng đầu tư rất tiềm năng mà giá trị kinh tế mang lại khá cao. Nhưng để ngành hàng này được rộng mở, cần thêm những giải pháp đa chiều.

Giá trị lớn

Theo Tổng cục Thủy sản, trên thế giới có hơn 200 loài rong biển có giá trị thương mại, tuy nhiên ngành trồng rong biển tập trung vào một số ít loài. Năm 2019, trên thế giới có 27 loài rong biển được nuôi trồng (chiếm 6,1% số loài thủy sản được nuôi trồng toàn cầu). Sản lượng thu hoạch rong biển chiếm gần 30% sản lượng NTTS thế giới. Tại Việt Nam tính đến năm 2014 ghi nhận được 827 loài, thuộc 4 ngành là rong lam (88 loài), rong đỏ (412 loài), rong nâu (147 loài) và rong lục (180 loài). Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở Việt Nam khoảng 900.000 ha, nhưng việc trồng rong ở nước ta còn sơ khai. Diện tích trồng rong biển giai đoạn 2005 – 2019 khoảng 10.150 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn tươi. Trong đó, diện tích trồng rong câu khoảng 8.200 ha, chiếm tỷ lệ cao nhất trong ngành trồng rong biển ở Việt Nam. Tiếp theo là rong sụn khoảng 1.550 ha, hiện đang trồng nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai thành công mô hình trồng rong biển kết hợp với thủy sản. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2.840 tấn rong biển, trị giá khoảng 4,5 triệu USD…

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 56% về giá trị sản xuất. Rong biển là loài thủy đặc sản của địa phương, sản lượng khai thác tự nhiên hàng năm khoảng 300 tấn, chủ yếu là rong câu, rong mứt. Thời gian gần đây, một số diện tích nuôi thủy sản kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng rong nho. Phú Yên đã định hướng phát triển đến năm 2030 trồng rong nho khoảng 380 ha tại một số vùng đầm, vịnh, vùng biển mở nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân.

Nhân rộng mô hình sản xuất rong

Thông tin tại Hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển rong biển do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức ngày 2/12 cho thấy, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS III và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm sú, ốc hương, hải sâm với rong biển, đạt được một số hiệu quả, giúp các hộ dân tham gia mô hình thu lợi nhuận. Một số địa phương cũng đã thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học về rong biển. Như giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ của đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, tập trung công tác bảo tồn, lưu giữ, định hướng khai thác, phát triển những loài rong biển có giá trị. Tỉnh Khánh Hòa cũng đang phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) xây dựng dự án chuỗi rong biển bền vững, dự án GEF tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026. Tỉnh Bình Thuận đang xây dựng Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, trong đó ưu tiên phát triển một số mô hình trồng rong biển với quy mô lớn tại những khu vực biển thích hợp. Còn Trung tâm Giống Nông nghiệp Phú Yên thực hiện chương trình nuôi cấy mô rong sụn, hiện đã ương được khoảng 500.000 mô giống và nuôi thử nghiệm thương phẩm rong sụn ngoài vùng biển hở tại Trạm Giống Thủy sản và thu hoạch được khoảng 20 tấn rong tươi.

Theo ông Thái Ngọc Chiến, Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu NTTS III, Viện đang thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học trồng rong biển như: công nghệ trồng rong sụn bằng giàn treo vùng nước cạn không có túi lưới, công nghệ trồng rong sụn ở vùng nước sâu bằng giai lưới, công nghệ trồng rong nho bằng thả đáy có lưới che trong ao, công nghệ trồng rong câu trong ao đầm nước lợ. Các mô hình này triển khai thực hiện ở một số địa phương bước đầu đem lại hiệu quả cao.

Giải pháp phát triển

Bên cạnh những lợi thế thì ngành hàng rong biển cũng còn những rào cản cho sự phát triển như: Chất lượng giống rong đang ngày một suy giảm do giống gốc hầu hết là nhập ngoại. Diện tích trồng rong biển ven bờ ngày càng bị thu hẹp do khu vực này ưu tiên quy hoạch cho du lịch. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến rong biển còn hạn chế. Công nghệ thu hoạch, bảo quản và xử lý sản phẩm sau thu hoạch còn thô sơ nên chất lượng và sinh khối của rong chưa cao và chưa ổn định. Thị trường nội địa còn hạn chế và lợi nhuận trồng rong còn thấp. Môi trường vùng biển ven bờ bị suy giảm, ô nhiễm…

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để việc nuôi trồng rong biển phát triển ổn định, người nuôi phải nghiên cứu để chọn tạo giống phù hợp các mục tiêu sản phẩm khác nhau là thực phẩm, y tế hay chăm sóc sắc đẹp. Trong thời gian tới, Tổng cục và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp và người dân để hình thành các chuỗi sản xuất rong biển. Cơ quan nhà nước sẽ tích cực nghiên cứu thị trường để tổ chức các vùng nuôi trồng rong phù hợp với từng địa phương, phát huy được lợi thế từng vùng nước, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa tạo được tính đa dạng sinh học, gắn phát triển du lịch.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm rong biển, Viện Nghiên cứu NTTS III sẽ phục tráng các loại giống có chất lượng cao để đáp ứng cho người dân. Các nhà khoa học cũng hướng dẫn người trồng rong cần chú trọng điều trị hai loại bệnh phổ biến là bệnh trắng nhũn thân và bệnh tảo sợi phụ sinh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, phải xác định rong biển là đối tượng rất tiềm năng để có giải pháp phát triển tương xứng. Khi đã phát triển hàng hóa thì các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất nhà máy chế biến, mở rộng đối tượng. Ngành chức năng phải nắm bắt được không gian phát triển trên cơ sở đề án, huy động mọi nguồn lực từ các nhà khoa học, khuyến nông, thị trường. Bộ cũng giao Tổng cục Thủy sản xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phân công nhiệm vụ phát triển ngành rong biển trong thời gian tới đối với các cơ quan chuyên môn, tham mưu để Bộ ban hành, triển khai thực hiện. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ mới trong trồng, chế biến, chiết xuất các vi chất từ sản phẩm rong biển; nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương ven biển quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nuôi trồng thủy sản nói chung và phát triển ngành rong biển nói riêng phát triển bền vững.

Anh Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!