Trồng rong biển phục hồi sản xuất, khai thác kho báu tín chỉ carbon

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 3/10/2024, hội nghị về thủy sản của Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt 9,5 tỷ USD. Trong phục hồi thủy sản bị thiệt hại nặng nề do bão, Cục Thủy sản nhấn mạnh đến việc trồng rong biển và chiến lược khai thác kho báu khổng lồ về tín chỉ carbon.

Khôi phục sản xuất trước mắt phù hợp chiến lược lâu dài

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bão số 3 gây thiệt hại cho kinh tế nước nhà ước tính 81.500 tỷ đồng. Nông nghiệp thiệt hại rất lớn, trong đó, thủy sản và chăn nuôi bị nặng nhất. Nhưng kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đã đạt gần 7,2 tỷ USD và dù trước mắt có nhiều khó khăn do thiệt hại bão lụt, mục tiêu cả năm 2024 phấn đấu xuất khẩu 9,5 tỷ USD.

Để khôi phục nuôi trồng thuỷ sản phía Bắc, nhất là những vùng biển bị bão lụt tàn phá nặng nề, lãnh đạo Cục Thủy sản cho rằng, có thể chuyển qua trồng rong biển. Rong biển dễ trồng mà ít phải đầu tư, lại nhanh cho thu hoạch. Hơn thế, rong biển không chỉ phù hợp tình hình hiện tại mà hướng đi cũng phù hợp với chiến lược đã được xác định.

Rong sụn ở Khánh Hòa

Trồng rong biển 50 – 60 ngày cho thu hoạch, chỉ cần ánh sáng mặt trời và nước biển mà không cần bón phân. Rong biển có khả năng trồng quy mô lớn, giàu dinh dưỡng và còn là nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm. Tiềm năng trồng rong biển của nước ta với diện tích khoảng 900.000 ha, năm 2023 đã trồng 16.500 ha với sản lượng 150.000 tấn, mục tiêu mở rộng diện tích để năm 2025 đạt 180.000 tấn và năm 2030 đạt 500.000 tấn. Như vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh) đang bị thiệt hại nặng do bão, từ năm 2022 đã trồng rong biển cho năng suất 30 – 35 tấn/ha/vụ (rong tươi), nay là cơ hội “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển.

Thông tin tại hội nghị cũng cho biết, bà con các vùng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại phía Bắc vừa được hỗ trợ 1 triệu cây rong giống để tái sản xuất. 

Kho báu tín chỉ carbon khổng lồ

Một giá trị rất lớn của rong biển là khả năng hấp thụ carbon gấp 2-5 lần thực vật trên cạn như cây rừng; Cá biệt, một số loài có thể lưu trữ gấp 20 lần so với cây rừng. Đây là cơ hội để có thể bán tín chỉ carbon. Nên rong biển đang được đánh giá là sản phẩm đa mục đích; ngoài giá trị dinh dưỡng còn có tác dụng như một bể chứa carbon khổng lồ ở đại dương, đặc biệt lại dễ trồng. 

Tại nhiều nơi, bà con ngư dân đã trồng rong biển xen với một số loài có giá trị kinh tế như bào ngư, hàu…Nếu nuôi xen bào ngư, từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm, rong biển phát triển mạnh nên đáp ứng đủ thức ăn cho bào ngư, còn những tháng khác giúp người nuôi tiết kiệm nhiều chi phí.

Chuyên gia cho biết, trên thế giới có khoảng 200 loài rong biển có giá trị thương mại, trong đó 27 loài được nuôi trồng chính. Tổng sản lượng rong biển hàng năm hơn 36 triệu tấn (35 triệu tấn rong trồng), giá trị ước đạt hơn 8,3 tỷ USD.

Ở nước ta đã phát hiện có 887 loài rong biển tự nhiên, gồm 3 nhóm chính: Rong sụn, rong câu, rong nho; khoảng 20 loài rong có thể trồng. Diện tích biển có tiềm năng phát triển trồng gần bờ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; Còn phát triển trồng xa bờ ở hầu khắp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau, Kiên Giang. Rong biển thực sự là kho báu đại dương vô giá. 

Tuy nhiên, trồng rong biển cũng đang đối diện không ít thách thức như chất lượng giống còn hạn chế; cạnh tranh diện tích với các ngành kinh tế khác; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương hiện nay đang trồng rong sụn với giống nhập khẩu.

Nghiên cứu tạo giống và mô hình mở rộng diện tích

Các cơ quan khoa học tích cực nghiên cứu tạo giống rong biển và một trong các thành công đáng chú ý là hoàn thiện quy trình nhân giống rong sụn đã rút ngắn thời gian từ hàng năm xuống dưới 150 ngày bằng công nghệ nuôi cấy mô ở Viện Nghiên cứu Hải sản. 

Đây là rong sụn Kappaphycus alvarezii có giá trị kinh tế cao, nguồn nguyên liệu chính trong công nghiệp keo và tác nhân kết dính. Khoảng 30 năm trước, rong sụn Kappaphycus alvarezii được nhập từ Philippines và nhân giống trồng ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung.

Tuy nhiên, cây rong sụn không có khả năng sinh sản hữu tính ở vùng biển nước ta mà được bà con dùng phương pháp sinh dưỡng để lưu giữ và làm giống. Thời gian dài, cây rong sụn bị suy thoái nên tốc độ sinh trưởng cũng như chất lượng của rong sụn suy giảm. Viện Nghiên cứu Hải sản đã phục tráng được nguồn gen cây rong sụn, tạo ra cây mầm có tốc độ sinh trưởng cao hơn cây giống tự nhiên nên cho năng suất cao, còn có khả năng kháng bệnh. Nhưng quá trình tạo ra cây giống cung cấp cho người trồng mất hàng năm là quá dài.

Viện Nghiên cứu Hải sản tiếp tục nghiên cứu, tìm cách nhân nhanh giống rong sụn từ cây bố mẹ chất lượng cao. Đến nay, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ và chủ động sản xuất hàng loạt cây mầm rong sụn biển chất lượng cao thông qua quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất giống số lượng lớn phục vụ trồng thâm canh đại trà với mục đích thương mại.. Thành công có giá trị lớn trong đáp ứng nhu cầu trồng rong sụn của các địa phương.

Còn Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), sau hơn 2 năm khảo nghiệm, đang triển khai chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” với mục tiêu tăng diện tích trồng rong biển. Đây là mô hình trồng rong sụn kết hợp nuôi hàu, phù hợp với nhóm ngư dân nuôi quy mô nhỏ, giúp tạo sinh kế bền vững.

Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” trước mắt tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Từ đó, trích 10% doanh thu từ các dòng sản phẩm của đối tác – nhãn hàng JapiFoods của Công ty CP Wineco Việt Nam – để đóng góp vào quỹ mua giống rong sụn cho người dân nuôi trồng.

Phó giám đốc ICAFIS Đinh Xuân Lập cho biết, trung bình 1 ha rong có thể lưu trữ được 15 tấn carbon (tương đương 15 tín chỉ carbon). Chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” dự kiến phát triển diện tích 1.000 ha, để có thể tạo ra 15.000 tín chỉ carbon. Kết hợp doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, hướng tới giảm khí nhà kính, tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển. Khi thành công sẽ mở rộng, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu 900.000 ha trồng rong biển theo định hướng của Cục Thủy sản, và cả ngành hàng sẽ có khả năng đóng góp 13,5 triệu tín chỉ carbon. Thực sự là một con số rất lớn.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!