Tỉnh Quảng Ngãi hiện chỉ có ngư dân xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) hành nghề câu mực khơi xa ở Trường Sa. Năm nay, ngư dân trúng đậm mùa mực, giá mua lại tăng 30%. Bình quân, sau gần 3 tháng khai thác, mỗi tàu câu được 30 tấn mực khô, có tàu 34 – 37 tấn, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng.
Mực được mùa, được giá
“Mấy tuần đầu ra khơi, tụi tôi đâu dám thả thúng câu mực, vì ảnh hưởng không khí lạnh, sóng dội liên hồi, loạng quạng là úp thúng như chơi. Khi trời êm, biển lặng, mực nhiều vô kể; thả mồi xuống là dính câu, kéo đến mỏi tay thì thôi. Lúc đó tụi tôi mừng lắm, thức cả đêm không buồn ngủ” – Đó là lời bộc bạch của anh Nguyễn Thanh Tịnh, ở xóm Quang Minh, thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, thuyền viên tàu QNg 95514.
Đang bận chuyển lương thực xuống tàu để chuẩn bị ra khơi chuyến biển tiếp theo, nhưng anh Tịnh vẫn vui vẻ trò chuyện khi chúng tôi hỏi về mùa câu mực của ngư dân địa phương. Anh cho biết, chuyến biển vừa rồi anh câu được 1,2 tấn, bán 90 triệu đồng; trừ tổn phí dầu mỡ, còn lại 60 triệu đồng. Anh cũng khá phấn khởi khi giá mực đã lên 25.000 đồng/kg, sau hơn 2 năm giảm.
Tàu câu mực xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn – Ảnh: Nguyên Hương
Anh Nguyễn Thành Trung ở xã Bình Chánh, thuyền viên tàu QNg 95514 cũng cho biết, hơn 2 năm qua giá mực khô liên tục giảm, có khi giảm hơn 1/2 so với trước đó, nhiều chuyến biển tàu thuyền ra khơi không đủ tổn phí. Vì vậy, khi giá mực tăng 30%, bằng thời điểm cuối năm 2011 sẽ giúp nhiều ngư dân có thêm động lực bám biển và cải thiện thu nhập cho gia đình. Anh Trung chia sẻ về nỗi cực nhọc khi hành nghề câu mực ngoài khơi Trường Sa: Tất cả ngư dân bắt đầu công việc từ 5 giờ chiều để thả thúng câu, đến 4 giờ sáng tàu vớt thúng. Mực vừa được vớt lên tàu đã phải tranh thủ xẻ, phơi cho kịp nắng; có hôm câu được nhiều, khoảng vài tạ mực tươi, thì xẻ phơi đến hơn 12 giờ trưa; đôi khi chưa kịp ăn trưa và nghỉ ngơi lại khẩn trương đi trở mực, chuẩn bị cho lần xuống thúng tiếp theo. Mỗi lần xuống thúng, cùng lúc phải đề phòng đủ thứ: bão tố, giông gió bất ngờ, cá lớn lật thúng, những cơn đau bất chợt, và cả tàu lạ.
Bám trụ tại Trường Sa
Anh Võ Minh Hiền, chủ tàu QNg 85221 công suất 380 CV, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, cho biết: Tàu có 27 lao động; trong đó 24 thuyền viên chính, 1 chủ tàu và 2 người tài lọt. Người câu đạt sản lượng cao nhất gần 1,4 tấn và thấp nhất 1,2 tấn; sau khi trừ tổn phí, mỗi bạn chài còn 70 – 85 triệu đồng, chủ tàu được hơn 300 triệu đồng.
Theo anh Hiền, muốn câu được nhiều mực, tàu thuyền phải đi đến vùng biển quần đảo Trường Sa, cách bờ hàng trăm hải lý; đồng thời, thuyền trưởng phải thức cả đêm lẫn ngày để điều khiển tàu đi đúng hướng, tìm nơi nhiều mực để câu. Tàu ra đó phải chạy 3 ngày 3 đêm. Mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài 2 – 3 tháng mới vào bờ một lần; tổng chi phí lương thực, dầu mỡ trên 300 triệu đồng. Vì vậy mỗi chuyến ra khơi, tàu phải khai thác được 20 tấn mực khô trở lên mới có lãi. Mấy năm trước, tàu ra khơi chuyến nào về cũng chỉ đủ phí tổn, kiếm đựơc vài chục triệu đồng sau khi trừ chi phí là mừng rồi.
Ông Nguyễn Thành Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh chia sẻ, địa phương đang có 103 tàu thuyền đang khai thác hải sản, trong đó 57 chiếc hành nghề câu mực khơi xuất khẩu tập trung chủ yếu ở thôn Mỹ Tân. 5 tháng đầu năm nay, ngư dân Bình Chánh khai thác được 1.450 tấn mực khô, giá trị gần 110 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm giá trị khai thác hải sản chiếm 65 – 70% tổng giá trị kinh tế trên các lĩnh vực của toàn xã. Chuyến biển vừa qua, tàu nào ra khơi cũng trúng đậm. Về đến bờ, các chủ tàu tranh thủ bán mực, mua lương thực, thực phẩm, chuẩn bị ngay cho chuyến biển tiếp theo. Mực được mùa được giá đã giúp ngư dân có thêm động lực tiếp tục vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.
>> Anh Võ Minh Hiền tâm sự: “Tàu tôi ra khơi cuối tháng 2/2014. Sau 3 tháng bám biển, đạt sản lượng trên 30 tấn, bán được 2,4 tỷ đồng. Năm nay mực nhiều, lại được giá, chắc chắn ngư dân ở đây còn bám trụ, khi nào hết nhiên liệu mới vào bờ”. |