(TSVN) – Tổ chức Quỹ Công lý Môi trường (EJF) vừa đưa ra cáo buộc về hành vi đánh bắt trái phép và vi phạm nhân quyền của các đội tàu cá Trung tại vùng biển phía Tây Nam Ấn Độ Dương (SWIO). Hành vi này trái ngược với các tuyên bố trước đó của Trung Quốc về việc ủng hộ hướng phát triển thủy sản bền vững và mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh trong khu vực.
Theo EJF, đội tàu cá xa bờ (DWF) của Trung Quốc – hiện là đội tàu lớn nhất thế giới – đang vướng phải những nghi ngờ về việc vi phạm nhân quyền và đánh bắt cá bất hợp pháp.
Từ năm 2020, EJF đã tiến hành các cuộc điều tra bao gồm 318 cuộc phỏng vấn các thủy thủ đã từng làm việc trên các tàu cá của Trung Quốc tại SWIO, và xác nhận hành vi vi phạm nhân quyền và/hoặc đánh bắt trái phép.
Các đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc vướng phải nghi ngờ về hành vi lạm dụng thủy thủ và đánh bắt trái phép
Thời gian gần đây, mức độ lạm dụng ở SWIO đang ngày càng trầm trọng và đi ngược lại hoàn toàn với những cam kết về lợi ích mà Trung Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ tại khu vực này.
EJF tiết lộ rằng từ năm 2017 – 2023, đã có 4 trường hợp thủy thủ tử vong trên các tàu cá Trung Quốc, trong đó có 1 trường hợp nghi ngờ là tự tử. Ngoài ra, EJF cũng ghi nhận 86 trường hợp tàu Trung Quốc có liên quan đến đánh bắt trái phép hoặc vi phạm nhân quyền ở SWIO. Trong tổng số 95 tàu cá ngừ hiện được cấp phép đánh bắt tại SWIO, gần một nửa có liên quan đến đánh bắt trái phép và/hoặc vi phạm nhân quyền.
Trong số 44 thủy thủ được phỏng vấn, 80% đưa ra câu trả lời về việc cắt vây cá mập, 100% báo cáo điều kiện làm việc và sinh sống bị lạm dụng, 96% báo cáo họ phải làm thêm giờ quá mức và 55% bị bạo hành trong quá trình làm việc. EJF cũng phỏng vấn 16 thủy thủ từng làm việc trên các tàu kéo của Trung Quốc tại Mozambique và ghi nhận 81% báo cáo việc lạm dụng lao động cưỡng bức và một nửa trong số đó báo cáo việc đánh bắt và cố ý gây thương tích cho các động vật lớn quan trọng đối với hệ sinh thái biển.
Thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”, để thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các quốc gia thuộc SWIO, bao gồm xây dựng cảng biển và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thông qua các cuộc điều tra, EJF cho biết các khoản đầu tư này là không minh bạch. Trung Quốc đã không ngừng đưa ra những bài báo tích cực về các dự án đầu tư trên truyền thông địa phương, sau đó nhận lại nhiều chỉ trích và phản ứng từ các tổ chức và người dân địa phương về tác động đối với cộng đồng ven biển.
Cuộc điều tra mới này đã cho thấy sự thật đằng sau “những khoản đầu tư” của Trung Quốc tại SWIO, thay vì mang lại lợi ích cho khu vực, đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế ngư dân và môi trường sống cũng như nguồn sinh vật biển tại đây.
Ông Steve Trent, CEO và Người sáng lập của EJF nhấn mạnh, “Cuộc nghiên cứu sâu rộng của chúng tôi đặt ra câu hỏi: Những vi phạm này có thực sự được chỉ đạo từ Chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh, hay đó là sự thất bại trong trách nhiệm quản lý đội tàu của họ? Sức nặng của bằng chứng là không thể phủ nhận. Vì vậy sự thật phải là một trong hai nguyên nhân kể trên”.
“Đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc chắc chắn phải chịu trách nhiệm về những hành động đáng lên án này tại SWIO. Đây không còn là những hành vi với quy mô trong một tàu hoặc đội tàu mà nó diễn ra trên hầu hết các đội tàu của Trung Quốc trong khu vực. Chính phủ Trung Quốc miêu tả các dự án đầu tư của mình vào SWIO như một thắng lợi đôi bên, nhưng trên thực tế chúng gây ra những tổn hại trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng ven biển. Các quốc gia SWIO phải gánh chịu tham nhũng và nợ nần từ các khoản đầu tư không minh bạch của Trung Quốc”, ông Steve Trent nói thêm.
Vẫn lời ông Steve, “Đã đến lúc cần có sự vào cuộc của Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương, các quốc gia ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các khoản đầu tư vào nghề cá của Trung Quốc, cần làm rõ và đưa ra những hướng giải quyết để sớm tháo gỡ tình trạng này. Mặc dù các đội tàu Trung Quốc không phải là đối tượng duy nhất thực hiện hành vi đánh bắt trái phép ở SWIO, nhưng mức độ nghiêm trọng của hành vi lạm dụng đáng lên án này đòi hỏi phải có sự thay đổi ngay từ bây giờ”.
EJF cũng lưu ý rằng nguồn hải sản được đánh bắt bởi các tàu cá này hiện đang được lưu hành tại các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc và khoảng 73% trong số đó được xuất khẩu sang EU.
Phản ứng trước cuộc điều tra của EJF, Tổ chức Bảo tồn đại dương Oceana kêu gọi các cơ quan chức năng của Mỹ thực hiện biện pháp để đảm bảo rằng các sản phẩm hải sản xuất phát từ những đội tàu cá Trung Quốc vi phạm, không được phép nhập vào thị trường nước này.
Phương Nhi (Theo Worldfishing)