THỨ BA, ngày 8/4/2025

Trung Quốc: Chiến lược phát triển thủy sản trước biến động mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thay đổi nhân khẩu học cùng phân cực quyền lực toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ đang tạo ra giai đoạn biến động cho Trung Quốc – một trong những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu, kéo theo nguy cơ thâm hụt thương mại thủy sản tới 10 tỷ USD vào năm 2030.

Thiếu hụt lao động 

Theo ông Nikolik, một chuyên gia phân tích thương mại thủy sản tại Rabobank, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm mạnh, từ hơn 6 con/phụ nữ vào những năm 1960 xuống còn 1,09 con/phụ nữ hiện nay. Hệ quả, lực lượng lao động suy giảm, trong khi độ tuổi trung niên tăng từ 29 vào năm 2000 lên 52 vào năm 2050. Dự báo đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ đạt 510 triệu, tương đương tổng dân số châu Âu và Vương quốc Anh.

Cùng đó, quá trình đô thị hóa tiếp diễn, với dân số thành thị dự kiến tăng từ 550 triệu lên 1,1 tỷ vào năm 2050. Điều này làm cạn kiệt nguồn lao động nông thôn, khiến số người sẵn sàng làm các công việc nặng nhọc, lương thấp trong ngành thủy sản ngày càng ít đi.

Người cao tuổi ở thành thị thường không làm việc trong các nhà máy chế biến, tàu đánh cá hay trang trại nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, họ rất quan tâm đến sức khỏe và ưu tiên thực phẩm lành mạnh, bao gồm thủy sản, theo ông Nikolik.

Thủy sản được xem là nguồn protein tốt nhất trong văn hóa ẩm thực của Trung Quốc. Hiện nay, thủy sản là nguồn protein lớn thứ hai sau thịt heo và cũng là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất. Do đó, tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành này được dự báo sẽ duy trì ở mức cao. “Người dân đô thị không chỉ có thu nhập cao hơn mà còn hưởng lợi từ hệ thống logistics phát triển, giúp họ tiếp cận thủy sản dễ dàng hơn. Kết hợp với thói quen tiêu thụ cá sẵn có, điều này trở thành một yếu tố quan trọng,” ông Nikolik nhận định.

Sản lượng giảm

Ông Nikolik dự báo sản lượng thủy sản nội địa của Trung Quốc sẽ giảm, đặc biệt ở ba nguồn cung lớn nhất: đánh bắt tự nhiên, nuôi cá chép và nuôi nhuyễn thể – tổng cộng hơn 50 triệu tấn mỗi năm.

Ông giải thích rằng chính phủ đang cắt giảm trợ cấp và đóng cửa một số ngư trường để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngành nuôi cá chép đối mặt với tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, trong khi nuôi nhuyễn thể gặp hạn chế do không còn không gian ven biển để mở rộng.

Tuy nhiên, ông Nikolik cho rằng ngành nuôi trồng thủy sản có giá trị trung bình và cao (khoảng 16 triệu tấn/năm) vẫn sẽ tăng trưởng. Dù vậy, nguồn cung thức ăn – đặc biệt là bột cá và đậu nành nhập khẩu – có thể kìm hãm đà phát triển này. Do đó, ông Nikolik nhận định tổng sản lượng thủy sản của Trung Quốc có thể tăng trưởng 0-1%, hoặc thậm chí bắt đầu giảm dần.

Trật tự thế giới mới

Theo Nikolik, từ năm 2014, cán cân thương mại thủy sản của Trung Quốc giảm khoảng 1,4 tỷ USD mỗi năm. Dự báo đến năm 2030, nước này sẽ nhập khẩu 29 tỷ USD thủy sản, dẫn đến mức thâm hụt 10 tỷ USD.

Trung Quốc có thể gặp khó trong việc bù đắp thiếu hụt này do sự phân cực chính trị giữa các quốc gia thân Mỹ và những nước nghiêng về Trung Quốc. Trong một kịch bản căng thẳng leo thang với Mỹ, ông Nikolik cho rằng hầu hết các nước cung cấp thủy sản cho Trung Quốc hiện không thuộc phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Nếu nhìn vào top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, chỉ có Nga thuộc phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của nước này. Trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc, các quốc gia chịu ảnh hưởng của Mỹ như Chile và Ecuador có thể phải hạn chế hoặc cắt giảm thương mại với Trung Quốc – xu hướng đã manh nha xuất hiện ở Panama, theo nhận định của ông Nikolik.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã dự liệu trước những rủi ro này. Ông Nikolik cho rằng đây có thể là lý do nước này mở cửa thị trường thủy sản cho Ấn Độ, Việt Nam, Ecuador và Indonesia – những quốc gia vẫn tỏ ra thận trọng trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Thực phẩm và năng lượng là hai chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương nhất của Trung Quốc. Ông Nikolik nhận định: “Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc có thể tăng lên. Tuy nhiên, sản xuất lại là vấn đề nan giải, vì nếu tăng sản xuất, Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu bột cá, dầu cá và đậu nành, điều mà họ không mong muốn. Hệ quả là nhập khẩu sẽ cần tăng đáng kể. Trung Quốc sẽ tập trung nhập khẩu từ những khu vực mà họ muốn tăng cường ảnh hưởng địa chính trị, đặc biệt là Đông Nam Á, Châu Phi và Mỹ Latinh.

Trung Quốc muốn trở thành một đối tác thay thế đáng tin cậy hơn Mỹ, và việc tăng cường thương mại là một chiến lược quan trọng. Nếu xung đột leo thang, chính phủ sẽ tìm cách mở rộng đồng minh và việc mở cửa thị trường là một phương thức hiệu quả để đạt được điều đó.

Dũng Nguyên 

Theo Thefishsite 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!