Trung Quốc: Gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cua từ Bangladesh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trung Quốc đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cua từ Bangladesh, sau khi nước này cho biết các nhà xuất khẩu Bangladesh đã đáp ứng đủ các yêu cầu về kiểm soát chất lượng và xác minh chứng nhận.

Lệnh cấm này được áp dụng vào tháng 9/2020 và được dỡ bỏ vào ngày 2/6 vừa qua. Theo Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bangladesh Niaz Uddin, tổng cộng 34 lô hàng cua và lươn đầm lầy châu Á đã được chuyển đến Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã đặt ra các điều kiện kiểm soát chất lượng đối với cua và lươn từ Bangladesh sau khi họ phát hiện các sản phẩm này bị nhiễm chì và cadimi.

Cục Thủy sản Bangladesh sau đó đã khởi xướng chương trình thử nghiệm cua và lươn trong các phòng thí nghiệm và cấp giấy chứng nhận cho các nhà xuất khẩu để họ có thể tiếp tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 9/2020, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tất cả cua và lươn từ Bangladesh khi nhà xuất khẩu BM Traders bị phát hiện sử dụng chứng chỉ giả. BM Traders đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc kể từ đó. 

Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu cá đông lạnh Bangladesh S Humayun Kabir cho biết việc thiếu kiểm tra trong phòng thí nghiệm đầy đủ đối với các sản phẩm và việc một số công ty sử dụng giấy chứng nhận giả đã dẫn đến lệnh cấm này.

Các nhà chức trách Bangladesh đã đề nghị hỗ trợ để giúp các nhà xuất khẩu tiếp tục bán hàng sang Trung Quốc. Ông Uddin cho biết các sản phẩm cua và lươn hiện phải trải qua ít nhất cả chục cuộc kiểm tra tại ba phòng thí nghiệm do Bộ Thủy sản Bangladesh điều hành trước khi được cấp giấy chứng nhận.

Giá cua tại Bangladesh giảm mạnh sau khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực, với khối lượng xuất khẩu giảm 50%, dẫn đến thiệt hại tài chính nghiêm trọng cho nông dân trên khắp nước này. Xuất khẩu giảm cũng do nhu cầu thấp hơn trong đại dịch COVID-19.

Giá trị xuất khẩu cua của Bangladesh là 35 triệu USD (29,5 triệu EUR) trong năm tài khóa vừa qua, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cua Bangladesh, tiếp theo là Hồng Kông, Myanmar, Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia.

Linh Nguyễn

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!