(TSVN) – Đứng trước hàng loạt chỉ trích hành vi khai thác trái phép, quá mức, ngành thủy sản Trung Quốc đang hướng đến một cuộc cải cách toàn diện nhằm đảm bảo tính bền vững lâu dài cho các hoạt động khai thác cá thương mại, xử lý hoạt động đánh bắt trái phép và cải thiện chuỗi cung ứng thủy sản.
Hoạt động khai thác cá thương mại đã mang lại việc làm cho hơn 40 triệu người Trung Quốc, mang lại trị giá lên đến 156 tỷ USD vào năm 2017. Dù quy mô “khủng” và tầm quan trọng là vậy, ngành công nghiệp khai thác thủy sản của Trung Quốc vẫn bị chỉ trích thiếu minh bạch, cụ thể là thiếu thông tin quan trọng về nơi và phương pháp đánh bắt, chủ sở hữu tàu cá, thực hành lao động và phương thức vận chuyển sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Sự thiếu minh bạch về hoạt động của của các đội tàu cá viễn dương Trung Quốc đã dẫn đến vấn nạn khai thác trái phép (IUU), trực tiếp đe dọa bền vững dài hạn của hệ sinh thái thủy sản toàn cầu. Thiếu minh bạch cũng làm tổn hại đến tương lai của ngành công nghiệp thủy sản và cướp đi sinh kế cùng nguồn thực phẩm của hàng triệu ngư dân đang khai thác hợp pháp tại các quốc gia khác.
Theo báo cáo của Stimson Center, Trung Quốc sở hữu đội tàu viễn dương hùng hậu nhất thế giới, chiếm tỷ lệ 40% tổng số lượng tàu khai thác cá của toàn cầu. Trong hơn 2 thập kỷ qua, số lượng tàu cá viễn dương của Trung Quốc tăng chóng mặt, một phần là do nguồn lợi biển trong nước bị khai thác quá mức đến nguy cơ cạn kiệt. Điều này thúc đẩy các đội tàu Trung Quốc mở rộng phạm vi khai thác ra vùng biển nước ngoài để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thêm vào đó, chính phủ cũng trợ cấp nhiên liệu cho các đội tàu viễn dương để đảm bảo lợi nhuận cho ngư dân.
Các đội tàu viễn dương cũng thúc đẩy lợi ích kinh tế của Trung Quốc như một phần của sáng kiến “Vành đai, con đường”, chiến lược đầu tư hàng tỷ USD nhằm gia tăng mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với hơn 100 quốc gia toàn châu Á, châu Phi và khu vực Thái Bình Dương. Chiến lược gồm những khoản đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng cảng biển giúp lưu thông hàng hóa và nguồn lợi khác như cá dễ dàng ra và vào các quốc gia ven biển. Bà Sally Yozell, một chuyên gia thuộc tổ chức Environmental Security tại Stimson Center nhận định, nơi nào xuất hiện các đội tàu viễn dương Trung Quốc, nơi đó xảy ra vấn nạn IUU.
Khai thác quá mức đã rút cạn nguồn lợi thủy sản trên toàn thế giới, đe dọa an ninh lương thực của các quốc gia ven biển. Đơn cử tại châu Phi, IUU đã gây thiệt hại ước tính 2,3 tỷ USD hàng năm.
Với đội tàu cá viễn dương quy mô nhất thế giới, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận “mập mờ” về khai thác với nhiều quốc gia ven biển để đánh bắt cá trong đặc khu kinh tế của họ. Cùng đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại nhiều nước ven biển gồm cảng biển, cầu, và cơ sở chế biến cá. Tại những quốc gia như Ghana, nơi hoạt động khai thác của tàu cá nước ngoài bị coi là bất hợp pháp, các công ty hải sản của Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng thỏa thuận liên doanh.
Hiện nay, Trung Quốc và nhiều nước khai thác cá viễn dương như Hàn Quốc đã bắt đầu chú trọng đến cải cách hoạt động nhằm nâng cao tính minh bạch và đã đạt được những bước đi tích cực trong cuộc chiến chống IUU. Sự minh bạch này được xem như giấy phép xã hội cho bất kỳ ngành công nghiệp nào trong thế kỷ 21. Là một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tầm ảnh hưởng đến toàn cầu, Trung Quốc có cơ hội đi đầu về khai thác cá bền vững và minh bạch.
Những diễn biến gần đây đã cho thấy quốc gia này đang nỗ lực hướng đến sự minh bạch hơn trong hoạt động khai thác cá trên phạm vi toàn cầu. Năm 2019, Trung Quốc là một trong số 48 quốc gia ký kết tuyên bố Torremolinos Declaration tố giác hoạt động IUU, và thông qua Thỏa thuận Cape Town 2012 nhằm thúc đẩy an toàn cho các tàu cá, thực hiện giám sát thường xuyên và bắt buộc trang bị vô tuyến truyền thanh nhằm tăng tính minh bạch.
Trung Quốc cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng cắt giảm quy mô đội tàu viễn dương từ năm 2018 và quyết tâm xóa sổ các công ty khai thác IUU bằng cách phạt nặng về tài chính, cắt giảm trợ cấp hoặc cấm khai thác IUU. Gần đây, chính quyền tuyên bố thưởng tiền cho tàu cá ý thức tốt, hoặc hỗ trợ tàu cải hoán chuyển đổi nghề.
Cuộc cải cách cho thấy tác động tích cực hơn khi Trung Quốc chấm dứt các khoản trợ cấp xăng dầu cho tàu viễn dương và thông qua Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác IUU của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (PSMA) để chặn đứng đội tàu viễn dương sử dụng cảng biển của Trung Quốc làm nơi tiêu thụ các lô hàng khai thác trái phép. Thực thi công nghệ theo dõi như Automatic Identification System và Vessel Monitoring System trên toàn bộ tàu viễn dương và tàu chuyển tải vào mọi lúc, mọi nơi cũng là chiến lược thúc đẩy tính minh bạch hiệu quả. Trong chiến lược “Vành đai và con đường xanh”, chính phủ Trung Quốc mở rộng mục tiêu hướng đến năng lượng và khí hậu gồm các phương thức thực hành khai thác bền vững và quản lý nghề cá.
Bằng những hành động trách nhiệm để tăng tính minh bạch cho hoạt động khai thác cá viễn dương, Trung Quốc đã và đang nỗ lực bảo tồn nguồn lợi biển cho các thế hệ tương lai.
Vũ Đức
Theo Chinadialogueocean