(TSVN) – Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khả năng kiểm soát với chiến dịch “Zero COVID” tại Trung Quốc đang trở thành vấn đề rất được quan tâm lúc này. Khi điều này đã tác động không nhỏ tới hoạt động giao thương nông, thủy sản của Việt Nam.
Đợt dịch COVID-19 lần này ở Trung Quốc được đánh giá là làn sóng dịch lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát lần đầu ở Vũ Hán năm 2020. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, số ca bệnh có triệu chứng ở nước này đã vượt cả năm 2021. Từ ngày 1/3 – 18/3, hơn 29.000 trường hợp dương tính đã được báo cáo ở 28/31 tỉnh, thành của Trung Quốc, trong đó hơn 10.000 ca ở tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc nước này. Theo số liệu mới nhất từ Hãng thông tấn AFP, 2 khu vực có số ca mắc COVID-19 đáng lo ngại nhất là tỉnh Quảng Đông và tỉnh Cát Lâm. Đây là 2 địa phương có 2 thành phố lớn là: Thâm Quyến (thành phố cảng quan trọng thứ 2 sau Thượng Hải) và Trường Xuân (thủ phủ tỉnh Cát Lâm – trung tâm công nghiệp phía Đông Bắc) – đây đều là những trung tâm sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới trên các lĩnh vực. Mặt khác thành phố cảng Thanh Đảo (thuộc tỉnh Sơn Đông – một hải cảng quan trọng) cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết.
Đánh giá chi tiết hơn về ảnh hưởng của tình trạng phong tỏa tại Trung quốc tới các ngành nghề Việt Nam, theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), chiến dịch “Zero COVID” tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nhóm thủy sản và cảng biển. Việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 – 60% tổng sản lượng tiêu thụ; do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm VĐ cho hay, mấy năm nay lượng hàng thủy sản của Công ty ít xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng tại một số đơn vị liên kết thì thị trường này là chủ lực. Đối chiếu số liệu thì thời gian gần đây lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ổn định, chỉ khác là chi phí vận chuyển tăng cao trong những tháng đầu năm 2022. Trước tình trạng Trung Quốc đóng cửa nhiều thành phố để phòng chống COVID-19 thì Công ty luôn cập nhật theo dõi diễn biến để điều tiết đưa hàng lên tàu, vận chuyển hợp lý tránh ảnh hưởng thiệt hại kinh tế; vấn đề này doanh nghiệp cũng đề nghị đối tác từ Trung Quốc cập nhật thường xuyên nắm bắt thông tin để có phương án cụ thể. Vấn đề Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero COVID” đã làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản tại TP Hồ Chí Minh, đây cũng là dịp để một số doanh nghiệp Việt Nam kiện toàn để chuyển nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Việt Nam có nhiều hàng hóa Trung Quốc cần. Tuy nhiên, thị trường này đang chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu; vì thế doanh nghiệp Việt nên sẵn sàng kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu.
Ngoài ra, việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại… sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương giữa hai nước, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam. Tác động sẽ tiêu cực hơn đối với nhóm doanh nghiệp Cảng miền Bắc vì tỷ trọng lớn sản lượng thông qua Cảng là phục vụ các tuyến từ/đến các cảng trung chuyến Trung Quốc thay vì phục vụ hàng hóa đi Mỹ, EU như ở miền Nam. Vì thế, các doanh nghiệp như: Công ty CPGemadept, Công ty CP Container Việt Nam, Công ty CP Cảng Hải Phòng sẽ là các đơn vị chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp.
Ngọc Anh