(TSVN) – Theo báo cáo mới đây của RaboResearch, đến năm 2030 tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc có thể chiếm 40% tăng trưởng toàn cầu.
Theo RaboResearch, mức tăng mạnh mẽ này của Trung Quốc là nhờ vào nền kinh tế thịnh vượng, dân số đông và nhu cầu thủy sản cao. Như vậy trong thập kỷ này, Trung Quốc có thể trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản trị giá 29 tỷ USD.
Mức tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng mạnh. Ảnh: Global Times
Ông Novel Sharma, chuyên gia phân tích thủy sản của RaboResearch cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc phát triển, kèm theo đó là 1,4 tỷ người tiêu dùng với thị hiếu hải sản cao, sẽ đưa Trung Quốc trở thành thị trường phát triển đầy hứa hẹn cho các mặt hàng thủy sản trong thập kỷ này. Mức tiêu thụ hải sản của Trung Quốc kỳ vọng tăng 5,5 triệu tấn đến năm 2030, vượt quá khả năng cung cấp của thị trường nội địa. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung và thu hẹp khoảng cách cung-cầu vào cuối thập kỷ”.
Theo RaboResearch, nhu cầu cao đối với hải sản “đắt đỏ” sẽ kéo theo giá trị tăng. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc có thể tăng 10 tỷ USD vào năm 2030. “Mức nhập khẩu phi mã này của Trung Quốc có thể ‘định hình lại’ ngành thủy sản toàn cầu. Các loài giá trị cao như cá hồi, tôm hùm, cua, tôm khai thác mà Trung Quốc đang hạn chế tiêu dùng, có thể sẽ tăng mạnh. Các loài thủy sản nuôi như tôm sẽ được tiêu thụ mạnh mẽ, kéo theo đó là các vùng sản xuất được mở rộng, và những người tham gia trong ngành (người nuôi, thu mua, chế biến, đóng gói….) sẽ tăng lợi nhuận”, ông Sharma nói.
Các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, đặc biệt các mặt hàng tôm, cua và cá biển. Quốc gia Trung và Mỹ Latinh – vốn có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong xuất khẩu thủy sản – sẽ tiếp tục “giải phóng” tiềm lực của mình, đặc biệt với các đối tượng giá trị cao như tôm và cá hồi. Ecuador đã trở thành nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Trung Quốc những năm gần đây.
An Vy
Theo Aquafeed