Trung Quốc – thị trường triển vọng của thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường này luôn trong top 3 nhà nhập khẩu nhiều nhất, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản.

Xuất khẩu tôm cạnh tranh gay gắt

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 569 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 11 tiếp tục giảm 24% đạt 52 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam. Ảnh: ST

Nhu cầu của Trung Quốc và Hồng Kông không ổn định, tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Đây là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.

Nhu cầu của Trung Quốc không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador. Theo đó, trong bối cảnh người dân cắt giảm chi tiêu, giảm bớt nhu cầu cho các sản phẩm có giá thành cao, lại thêm việc có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp. Nên tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này dự kiến vẫn giảm so với cùng kỳ.

Sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam theo thị trường, theo quý. Nguồn: AgroMonitor, Vietcap

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông dao động từ 543 triệu USD năm 2019 đến 664 triệu USD năm 2022. Trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm sang thị trường này dao động không ổn định nhưng thị trường này vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù, kim  ngạch năm nay vẫn giảm so với 2022 (năm mà kim ngạch xuất khẩu tôm đạt kỷ lục) nhưng vẫn tăng so với các năm trước đó.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2023, nhập khẩu tôm đông lạnh của Trung Quốc đạt 80.268 tấn, trị giá 415 triệu USD, tương đương lượng nhập khẩu của tháng 10/2022, nhưng giảm 21% về trị giá do giá xuất khẩu trung bình ở mức thấp (trung bình 5,17 USD/kg). Trong 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 843.174 tấn tôm, trị giá 4,6 tỷ USD, tăng 22% về lượng và tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu nhiều tôm nhất vào Trung Quốc là: Ecuador, Ả rập Xê út, Achentina, Việt Nam, Thái Lan. Trong đó, Ecuador là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc, đạt 596.251 tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022. 

Xuất khẩu cá tra phục hồi

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 11, xuất khẩu cá tra Việt sang Trung Quốc và Hong Kong tiếp tục duy trì tăng trưởng hai con số, giá trị đạt hơn 39 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 36 triệu USD, tăng 29%. Lũy kế 11 tháng, lượng cá tra Việt xuất sang Trung Quốc đạt gần 500 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ 2022.

Cuối năm, thị trường Trung Quốc càng có xu hướng tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam để phục vụ cho dịp nghỉ lễ cuối năm. Số liệu cho thấy, kinh ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang thị trường này đã liên tục tăng trưởng trong 3 tháng liên tiếp từ tháng 9. Các sản phẩm chủ lực xuất đi gồm cá tra và fillet cá tra đông lạnh.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng, cá da trơn (chủ yếu là cá tra) từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng mạnh từ năm 2012 tới năm 2022. 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập các sản phẩm chả cá, surimi cá rô phi từ Việt Nam.

Việt Nam hiện chiếm 16% tổng khối lượng cá thịt trắng mà Trung Quốc nhập khẩu từ thế giới. Việt Nam xếp thứ hai sau Nga về nguồn cung cá thịt trắng cho Trung Quốc và vượt xa Mỹ, Na Uy.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 10 tháng đầu năm 2023 Trung Quốc nhập khẩu hơn 145.000 tấn cá tra, cá da trơn (chủ yếu là cá tra) từ Việt Nam. Trong đó, Quảng Đông là tỉnh tiêu thụ nhiều nhất với hơn 24.000 tấn. Sau Quảng Đông, các tỉnh như Sơn Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh cũng là những điểm đến hàng đầu của cá tra Việt.

Cơ hội và thách thức

Dịch COVID-19 đã chấm dứt, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu tôm sú, tôm chân trắng, cá tra và các sản phẩm thủy sản đang hồi phục. Vị thế địa lý gần thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc về chi phí logistics.

Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế nhưng có vẻ họ không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thủy sản nội địa. Bởi, Trung Quốc không coi đây là ngành hàng chủ lực có lợi nhuận cao. Do đó, đây là cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này. Các chuyên gia kinh tế đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây.

Đại sứ Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, nông sản của Việt Nam. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có chuyến thăm Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng tươi sáng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản với nguồn cung nguyên liệu giá rẻ nên sản phẩm thủy sản Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính các nhà chế biến thủy sản tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Để tận dụng những cơ hội từ Trung Quốc, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế cũng đang có những dấu hiệu hồi phục trở lại, chỉ số CPI trong tháng 8 giảm 133% so với tháng trước, GDP tăng 40% so với quý trước. Việc mở cửa trở lại sau dịch, cùng các chính sách thông quan nhập khẩu đã dần được nới lỏng, sẽ hỗ trợ tăng sản lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!