(TSVN) – Ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã thông báo tạm cấm ngư dân khai thác mực tại nhiều ngư trường ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trong 3 tháng để bảo tồn nguồn lợi loài thủy sản này.
Cụ thể, từ ngày 1/7 – 30/9, lệnh tạm hoãn sẽ được thực hiện ở các vùng biển khơi phía tây nam Đại Tây Dương bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia có liên quan. Từ ngày 1/9 – 30/11, lệnh tạm hoãn sẽ được thực hiện ở các vùng biển khơi ở Đông Thái Bình Dương.
Đây là động thái của Trung Quốc để nhấn mạnh rằng nước này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đánh bắt cá trên biển của quốc tế và tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững, bác bỏ các tin đồn của truyền thông phương Tây về “hoạt động đánh bắt trái phép của Trung Quốc”.
Bộ Nông nghiệp nước này cho biết trong thời gian cấm, tất cả các tàu đánh bắt mực của Trung Quốc đều ngừng đánh bắt ở những khu vực này để bảo tồn nguồn lợi mực trên biển cả.
Các khu vực bị tạm cấm là nơi sinh sản của mực vây ngắn Argentina và mực Humboldt, hai trong số những giống mực phổ biến nhất. Theo Hiệp hội đánh bắt mực Trung Quốc, quần thể mực vây ngắn Argentina giảm mạnh trong những năm gần đây, với sản lượng đánh bắt trung bình của các tàu Trung Quốc ở tây nam Đại Tây Dương sụt giảm từ 2.000 tấn xuống 50 tấn vào năm 2019.
Trung Quốc chiếm tới 70% sản lượng khai thác mực toàn cầu. Ảnh EPA
Hoạt động khai thác hải sản trên biển của Trung Quốc đã phát triển trong những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao. Theo các đánh giá từ nước ngoài, Trung Quốc chiếm tới 70% sản lượng khai thác mực toàn cầu, và các tàu khai thác của họ đánh bắt tới vùng biển của Tây Phi và Mỹ Latinh.
Lệnh cấm ban hành sau phản ứng dữ dội của quốc tế đối với hạm đội nước ngoài khổng lồ của Trung Quốc, với tuyên bố rằng họ đang đánh bắt quá mức và gây tổn hại đến các hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, phía Trung Quốc bác bỏ thông tin này và cho rằng, nếu đánh giá từ quy mô ngành ngư nghiệp của nước này thì thực tế không có nhiều tàu khai thác hải sản. Để giải quyết nạn đánh bắt bất hợp pháp, chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã từng bước thắt chặt giám sát các tàu khai thác hải sản vùng nước sâu.
Năm 2020, Trung Quốc đã thí điểm lệnh cấm đánh bắt trên vùng biển khơi nhắm vào mực. Hơn 600 tàu viễn dương và tàu phụ của hơn 70 công ty khai thác thủy sản đều đã được sơ tán theo quy định, không phát hiện hoạt động đánh bắt bất hợp pháp nào trong khu vực lệnh cấm. Sau khi thí điểm lệnh cấm này, sản lượng mực từ tháng 1 đến tháng 4 ở hai miền đều tăng so với cùng kỳ năm 2019.