(TSVN) – Theo báo cáo của Học viện Khoa học Nuôi trồng Thủy sản Trung Quốc (CAFS), trong một thập kỷ qua, mức tiêu thụ hải sản bình quân theo đầu người tại Trung Quốc đã tăng 43%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với các khuyến nghị được đưa ra trước đó.
Lượng tiêu thụ hải sản bình quân theo đầu người tại Trung Quốc thấp hơn so với các khuyến nghị được đưa ra trước đó
Theo khuyến cáo từ Hội Dinh dưỡng Trung Quốc, trung bình người trưởng thành mỗi ngày cần 40 – 75g protein từ hải sản, tương đương với mức 38,51 kg/người/năm.
Tuy nhiên, thực tế tại Trung Quốc, mức tiêu thụ này mặc dù đã tăng 43% trong một thập kỷ qua, từ mức 23,92 kg/người (năm 2013) lên 34,37 kg/người (năm 2022), vẫn thấp hơn 11,04% so với con số được đưa ra theo khuyến nghị. Riêng đối với rong biển, mức tiêu thụ tăng 24% lên mức 5,48 kg/người/năm.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, có sự chênh lệch đáng kể giữa lượng tiêu thụ hải sản tại các vùng nông thôn so với khu vực đô thị. Tại vùng nông thôn là 26,38 kg/người/năm và 39,93 kg/người/năm ở các khu vực đô thị.
Ngoài ra, mức tiêu thụ hải sản tại các tỉnh ven biển cũng chiếm ưu thế hơn so với các tỉnh nội địa. Chiết Giang, Hải Nam, Phúc Kiến, Thượng Hải và Quảng Đông là những tỉnh có mức tiêu thụ hải sản bình quân đầu người cao trên mức 60 kg/người/năm. Trong khi đó, tại các tỉnh nội địa như Quý Châu, Sơn Đông, Thiểm Tây, Hồi Ninh Hạ, Thanh Hải, Tân Cương và Tây Tạng đều ghi nhận con số dưới 10 kg/người/năm. Chiết Giang hiện là tỉnh có mức tiêu thụ cao nhất, cao gấp 61 lần so với Tây Tạng, vốn là vùng có mức tiêu thụ thấp nhất cả nước.
Sự chênh lệch còn được thể hiện giữa các tỉnh phía Nam và phía Bắc tại Trung Quốc. Trung bình mức tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam là 44,19 kg/người/năm, chênh lệch lớn so với mức 17,90 kg/người/năm ở các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và dữ liệu từ Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc, mức tiêu thụ thực tế tại Trung Quốc có thể chỉ đạt 30 g/người/ngày hoặc đạt mức cao lên đến 112 g/người/ngày và có thể chỉ bằng 56% so với mức trung bình toàn cầu. Những cuộc tranh cãi gay gắt đang diễn ra liên quan đến tính xác thực của những số liệu thống kê kể trên.
Oanh Thảo
(Theo Undercurrent News)