(TSVN) – Theo số liệu mới nhất từ Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) trong tuần 36 (2 – 8/9/2024), Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu cá tuyết đông lạnh lớn nhất của Na Uy, trong khi EU ngày càng ưa chuộng cá tuyết nuôi.
Lượng cá tuyết đông lạnh xuất khẩu từ Na Uy giảm mạnh trong mùa hè năm nay do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt hạn ngạch đánh bắt tại Biển Barents. Hai tuần gần đây ghi nhận mức xuất khẩu thấp kỷ lục, chỉ hơn 300 tấn cá tuyết đông lạnh, trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 1.325 tấn. Từ đầu năm đến nay, tổng xuất khẩu cá tuyết đông lạnh cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Na Uy tăng xuất khẩu cá tuyết sang Trung Quốc. Ảnh: NSC
Mặc dù lượng xuất khẩu giảm, giá trị xuất khẩu cá tuyết đông lạnh của Na Uy vẫn tăng 28% so với năm 2023 nếu tính theo đồng krone, và tăng 25% khi quy đổi sang đồng euro. Đặc biệt, xuất khẩu cá tuyết đông lạnh sang EU đã giảm 36%, từ 21.947 tấn xuống còn 13.963 tấn, khiến thị phần của EU giảm từ 61% xuống 43%.
Ngược lại, xuất khẩu cá tuyết đông lạnh sang Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tuần 36, Na Uy đã xuất khẩu 9.820 tấn cá tuyết đông lạnh sang Trung Quốc, tăng 28% so với 7.669 tấn cùng kỳ năm 2023. Giá trung bình tăng từ 48,6 NOK/kg lên 58,4 NOK/kg.
Giá cá tuyết fillet đông lạnh cũng tăng mạnh, trung bình đạt 171 NOK/kg trong tuần 36, mức cao nhất trong hơn hai năm trở lại đây.
Trong khi đó, xuất khẩu cá haddock và cá saithe đông lạnh ghi nhận sụt giảm, chỉ có 123 tấn cá haddock và 200 tấn cá saithe được xuất khẩu trong tuần 36.
Xuất khẩu cá tuyết tươi từ Na Uy sang EU giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đơn hàng cá tuyết nuôi tươi đã tăng 40%, từ 5.816 tấn lên 8.196 tấn, phần lớn được xuất khẩu sang EU để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung cá tuyết tự nhiên.
Với khuyến nghị giảm 31% hạn ngạch đánh bắt cá tuyết tại Biển Barents vào năm sau, thị phần và giá trị của cá tuyết nuôi dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng.
An Vy
Theo UCN