T2, 06/07/2020 11:45

Trung tâm nghề cá Khánh Hòa: Đầu tàu “kéo” nghề cá Nam Trung bộ vươn xa

Chưa có đánh giá về bài viết

“Khánh Hòa sẽ trở thành mũi nhọn trong việc đánh bắt thủy sản xa bờ, hậu cần nghề cá khi xây dựng Trung tâm nghề cá lớn với diện tích trên 46 ha ở TP Cam Ranh” – ông Lê Tấn Bản (ảnh), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho hay.

Thưa ông, đâu là những bất cập chính của nghề cá, hậu cần nghề cá hiện nay của Khánh Hòa nói riêng và Nam Trung bộ nói chung?

Những “căn bệnh” hiện nay của đánh bắt xa bờ không chỉ riêng Khánh Hòa đâu mà là bất cập chung. Thứ nhất, kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, sơ chế của ngư dân còn lạc hậu đã làm giảm giá trị sản phẩm từ 1/3 đến 1/2. Thứ hai, các chi phí liên quan đến đánh bắt cao như  tàu cá cũ, tốn nhiều dầu, công nghệ hỗ trợ đi biển lạc hậu, tốn nhiều nhân lực… tất cả làm thu thập của ngư dân thấp. Thứ ba, hoạt động có liên quan đến thị trường thiếu tổ chức, liên kết đã không hình thành được chuỗi gắn kết, phân bố hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia là ngư dân, chủ tàu, đại lý thu mua, nhà xuất khẩu… do đó phần thiệt thòi luôn thuộc về ngư dân. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan, hợp tác, tuyên truyền với ngư dân từng bước khắc phục những điểm yếu này.

 

Tin vui là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa, ông có thể cho biết ý nghĩa của dự án?

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, theo đó cả nước sẽ hình thành 5 Trung tâm nghề cá ở các ngư trường trọng điểm gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa và Kiên Giang. Khánh Hòa là tỉnh được chọn là địa phương để xây dựng trung tâm nghề cá vùng Nam Trung bộ.

Việc hình thành trung tâm nghề cá vùng sẽ thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng. Sau khi hình thành; Trung tâm này sẽ là đầu tàu kéo ngành thủy sản vùng phát triển mạnh mẽ hơn, năng động hơn, tốc độ tăng trưởng cao, bền vững hơn. Trung tâm sẽ đảm bảo, tạo điều kiện tối đa cho ngư dân cả nước đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa yên tâm đánh bắt xa bờ, góp phần giữ vững an ninh biển đảo.

Sẽ có cảng chuyên dụng, chợ đấu giá cho cá ngừ đại dương khu vực Nam Trung bộ – Ảnh: Phạm Ngọc Chung

 

Vậy đâu là lý do để Khánh Hòa được lựa chọn?

Xét về địa lý, Khánh Hòa có vùng ngư trường Trường Sa rất rộng lớn, có các đảo tiền tiêu thuộc huyện Trường Sa. Phía bờ có nhiều vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh có khả năng xây dựng, tiếp nhận tất cả các loại tàu hiện đại. Về nhân lực, cơ sở vật chất Khánh Hòa hiện có trên 1.100 tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, lại có nhiều cảng cá lớn, nhỏ như Hòn Rớ, Vĩnh Lương (Nha Trang), Đá Bạc (Cam Ranh), Đại Lãnh (Vạn Ninh)… Những cảng cá này từ lâu đã trở nên quen thuộc với ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… bà con thường xuyên ra vào để tiếp nhiên liệu cho tàu, bán cá, tránh trú bão. Khánh Hòa còn thuận lợi khi có nhiều nhà máy, xưởng đóng tàu có thể đóng từ tàu gỗ, composite đến tàu sắt hiện đại. Có Viện Hải dương học, Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản III… đều là những trung tâm đầu ngành về thủy sản.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá: Khánh Hòa hội đủ 6 điều kiện là điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; khả năng thu hút các nguồn lực, tạo sức hút về thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi làm tăng giá trị các sản phẩm thủy sản; sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển; nguồn nhân lực; vai trò của kinh tế thủy sản đối với kinh tế vùng và vị trí gắn với quốc phòng, an ninh biển, đảo; đánh giá độ rủi ro.

Khánh Hòa cũng như các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí rất quan trọng trong khai thác thủy sản, đặc biệt là hậu thuẫn cho các ngư dân vươn khơi bám biển bởi hiện nay, nghề đánh bắt xa bờ chủ yếu thuộc khu vực miền Trung. Địa phương cũng có lợi thế khi gắn liền với nhiều ngư trường lớn.

 

Thưa ông, khả năng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm nghề cá tại Khánh Hòa, ông có thể cho biết thêm một số thông tin?

Đúng! Bộ NN&PTNT vừa qua đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa cũng như Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam về việc đầu tư Trung tâm nghề cá lớn ở đây. Lãnh đạo Bộ và tỉnh Khánh Hòa đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây dựng Trung tâm tại TP Cam Ranh. Ông Fukada Hiroshi, Đại sứ Nhật Bản cũng cho biết đây là vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận tại Đối thoại nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản vào tháng 8/2015 tới đây. Dự kiến họ sẽ hỗ trợ khoảng 10 triệu USD từ nguồn vốn ODA.

Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta không chỉ tiếp nhận viện trợ về mặt tài chính mà còn tiếp thu được kinh nghiệm, kỹ thuật tốt và tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Nhật Bản. Qua đó, có thể nâng cao hiệu quả của nghề cá. Phía Nhà nước chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ cho nghề cá.

>> Trung tâm nghề cá lớn tại tỉnh Khánh Hòa dự kiến được xây dựng tại cảng cá Đá Bạc, với diện tích khoảng 46 ha. Trong đó có 30 ha mặt nước, trong đó có cảng chuyên dụng cho cá ngừ đại dương; khu dịch vụ hậu cần, hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm; chợ đầu mối hải sản, chợ đấu giá cá ngừ đại dương khu vực Nam Trung bộ. Tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn tất các thủ tục trong năm nay (2015) để có thể triển khai xây dựng Trung tâm vào năm 2016 – 2018.

Quang Đức - Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!