(TSVN) – Mới đây, Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (International American University) đã trao chức danh Viện sĩ danh dự y học thay thế, Giáo sư danh dự ngành sinh vật học cho TS. Nguyễn Văn Năm – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Thủy sản Việt Nam nhằm ghi nhận, biểu dương những cống hiến to lớn của ông trong công tác nghiên cứu khoa học.
Là một người dành trọn niềm đam mê cho nghiên cứu khoa học, luôn khao khát được cống hiến cho sự phát triển của nhân loại, TS. Nguyễn Văn Năm đã trở thành “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y học thay thế. Nhiều kết quả nghiên cứu của ông đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả và những giá trị to lớn.
Chia sẻ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Năm cho biết, đối với người làm khoa học, việc được theo đuổi đam mê, được cống hiến, luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết là niềm hạnh phúc lớn lao. Điều đó còn quan trọng hơn những thứ hào nhoáng, “phù vân”.
Lãnh đạo Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (International American University) trao chức danh Viện sĩ, Giáo sư danh dự cho TS. Nguyễn Văn Năm
“Được International American University trao chức danh Viện sĩ danh dự y học thay thế, Giáo sư danh dự ngành sinh vật học là điều khiến cá nhân tôi cảm thấy vui, pha lẫn chút tự hào. Những công trình nghiên cứu, những đóng góp nhỏ bé của mình cho nền y học thay thế, công nghệ sinh học đã được quốc tế ghi nhận và nhìn nhận đúng với giá trị thực. Đó cũng là động lực để mình cố gắng, nỗ lực hơn nữa, đóng góp thật nhiều sản phẩm khoa học có ý nghĩa thực tiễn trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Đối với tôi, nghiên cứu khoa học là niềm đam mê, khoa học không phải là mớ lý thuyết suông, khoa học phải ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho con người. Đó cũng là lý tưởng “tốt đời, đẹp đạo” mà một người làm công tác nghiên cứu như tôi theo đuổi”, TS. Nguyễn Văn Năm bày tỏ.
Trong suốt quãng thời gian hoạt động nghiên cứu và tìm hiểu thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, TS. Nguyễn Văn Năm nghiệm ra rằng, hiện nay, chúng ta đang tập trung quá nhiều vào việc đưa ra giải pháp y khoa thay vì giải quyết gốc rễ của vấn đề (chữa bệnh nhưng không giải quyết nguồn gốc của bệnh). Do vậy, ông cùng các cộng sự đã và đang nghiên cứu những giải pháp dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa đông y và tây y, hỗ trợ giải quyết tận gốc vấn đề.
TS Nguyễn Văn Năm chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ
“Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu công nghệ sinh học và sự sống, y học thay thế, đổi mới cách tiếp cận theo hướng bền vững, phù hợp với xu hướng của thế giới. Hi vọng rằng, trong tương lai, các phương tiện truyền thông sẽ phổ cập khái niệm y học thay thế để nhiều người biết đến và tiếp cận với phương pháp mới này.
Với mong muốn được cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển công nghệ sinh học và sự sống, y học thay thế, chúng tôi đang hướng tới việc xuất khẩu công nghệ sinh học tới Mỹ, EU, Trung Quốc… Tôi tin rằng, những sản phẩm công nghệ sinh học của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh tại những thị trường lớn này”, ông Năm cho biết thêm.
Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Văn Năm mong rằng, những thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học của ông và cộng sự sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu kế cận, góp phần nhỏ bé vào kho tàng kiến thức của nhân loại, chăm sóc và cải thiện cuộc sống của con người.
Đối với ngành thủy sản, những đề tài nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Năm đã cho ra nhiều sản phẩm ứng dụng gồm các chế phẩm sinh học phục vụ xử lý môi trường, nuôi trồng thủy sản như: DW97, DW98, EMC, EM, Bio- Probiotic, Bio- DW...
“Quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học không sử dụng kháng sinh, hoá chất khử trùng, diệt tạp, diệt giáp xác” của TS. Nguyễn Văn Năm đã mang lại lợi ích to lớn cho người nuôi tôm, giúp tăng năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận, giảm dịch bệnh, giữ gìn môi trường sinh thái.
Cảnh Nghi