TTCT bị bệnh phân trắng có triệu chứng như thế nào?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: TTCT bị bệnh phân trắng có triệu chứng như thế nào? Biện pháp điều trị bệnh ra sao?

(Trịnh Văn Bình, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) 

Trả lời:

Bệnh phân trắng thường xảy ra tại giai đoạn nuôi tôm từ 2 tháng trở lên, có thể làm giảm năng suất 20 – 30% và giảm giá trị sống. Tỷ lệ tử vong của tôm mắc bệnh này có thể đạt đến 60%. Bệnh dễ dàng nhận biết với dấu hiệu đặc trưng là những đoạn phân có màu trắng đục nổi trên mặt nước ở gốc cuối gió từng đoạn từ 0,3 – 1 cm, có khi còn dính ở hậu môn tôm; Tôm giảm ăn, màu sắc chuyển sang màu sẫm hơn; Gan tụy chuyển màu nhợt, mềm nhũn; ruột và phân chuyển sang màu vàng hoặc trắng; Tôm mềm vỏ; Mang chuyển sang màu tối; Ruột tôm bị lỏng, ruột đứt khúc, cong vẹo, đường ruột ở đốt thân cuối của tôm (gần gai đuôi) bị đứt khúc và có màu trắng đục (như hạt gạo mủ đuôi). Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh phân trắng, cụ thể:

– Thức ăn kém chất lượng: Thức ăn không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị mốc và chứa độc tố khi cho tôm ăn các loại thức ăn này sẽ bị bệnh đường ruột. Thức ăn cho ăn bị dính trên thành bạt, cầu nhá, máy quạt,… lâu ngày bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn rơi xuống tôm ăn dẫn đến bệnh lây lan.

– Do tảo độc: Một số ao nuôi có sự phát triển các nhóm tảo lam với mật số cao hoặc các nhóm tảo độc khác ảnh hưởng đến tôm. Các loài tảo này có thể tiết ra độc tố trong môi trường ao nuôi hoặc khi tôm ăn phải các loại tảo độc sẽ làm rối loạn chức năng đường ruột dẫn đến tôm không tiêu hóa được thức ăn.

– Nội ký sinh trùng Gregarines: Sự hiện diện của Protozoa Gregarines trong đường ruột tôm và hệ gan tụy có thể dẫn đến tình trạng tôm bị phân trắng. Khi ký sinh trong đường ruột tôm chúng gây tổn thương các biểu mô, tắc nghẽn ruột, tổn thương niêm mạc ruột, do đó ruột tôm sẽ không hấp thu được chất dinh dưỡng (Mastan, 2015).

– Vi khuẩn Vibrio spp: Một số loài Vibrio có thể gây ra bệnh phân trắng, khiến phân của tôm trở nên trắng đục. Điều này thường liên quan đến sự suy yếu chất lượng nước và ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm, gây ra sự giảm sinh trưởng và thất thoát kinh tế.

Cách phòng bệnh: Nên giảm mật độ nuôi tôm trong vụ nắng nóng. Nhằm mục đích giảm lượng vi sinh vật hữu cơ ở nền đáy của ao nuôi. Từ đó, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn Vibrio. Chuẩn bị ao nuôi sạch sẽ ngay từ đầu, không sử dụng thức ăn bị mốc, hạn chế sử dụng thức ăn tươi. Trong quá trình nuôi quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ và sử dụng hóa chất diệt khuẩn sẽ giúp hạn chế bệnh phân trắng, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng, mưa kéo dài. Ngoài ra, có thể sử dụng chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn Bacillus Subtilis để hạn chế sự phát triển của nhóm vi khuẩn Vibrio. Trên thị trường hiện nay có sẵn những loại thuốc để phòng ngừa và trị bệnh phân trắng cho tôm. Những loại thuốc này là kháng sinh nên khi sử dụng cần theo đúng liều lượng đã quy định. Tránh dùng vội, tăng liều hoặc sử dụng không đủ, gây hiện tượng nhờn thuốc, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, vừa tốn kém lại không hiệu quả.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!