(Thủy sản Việt Nam) – Năm qua, tòa soạn Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã nhận được hàng trăm bức thư của bạn đọc từ khắp mọi miền của Tổ quốc, mỗi bức thư như một nhắn gửi, động viên lớn lao đối với từng cán bộ, phóng viên của Tạp chí.
Qua thư, bác Nguyễn Văn Vịnh ở Hải Hậu (Nam Định) chia sẻ: “Tôi không thường xuyên theo dõi Tạp chí Thủy sản Việt Nam, chỉ thỉnh thoảng mới đọc được, nhưng không vì thế mà tôi không quan tâm, vì tôi thấy Tạp chí thực sự rất có ích cho người nông dân, đặc biệt là những người nuôi trồng thủy sản như chúng tôi. Qua Tạp chí, tôi đã ít nhiều nắm bắt được những chính sách của Nhà nước, của ngành, cũng như những biến động mùa vụ để kịp thời thay đổi, nhằm tránh những thiệt hại, rủi ro và đạt hiệu quả cao nhất”.
Đồng quan điểm với bác Vịnh, bác Nguyễn Văn Bắc ở Bến Tre viết: “Mấy năm trở lại đây, người nuôi trồng thủy sản như chúng tôi đã phần nào không còn rơi vào tình trạng làm ồ ạt, chạy theo số lượng nữa, chúng tôi đã biết đến vấn đề cung – cầu, nuôi trồng thủy sản không chỉ vì lợi ích của riêng mình, mà còn phải bảo đảm cho phát triển lâu dài và bền vững. Có được điều đó, là do chúng tôi đã nắm bắt được ý kiến của lãnh đạo, của các chuyên gia, giúp chúng tôi đã biết mình phải làm gì để đạt hiệu quả cao nhất. Chúng tôi cảm ơn những gì Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã làm”.
Từ Quảng Bình, bạn Nguyễn Thị Minh cho biết: “Tôi là một độc giả trung thành, theo dõi đều đặn mỗi số Tạp chí và rất thích chuyên mục Ký sự đường xa, mỗi bài viết như một “lời tự sự” từ biển cả. Và cũng nhờ chuyên mục này, tôi mới biết được một công dân “đặc biệt” của vùng đất Quảng Bình, anh Nguyễn Văn Mỵ, người con của biển cả đầy ý chí, nghị lực, vượt qua số phận, phấn đấu thành người có ích, “tàn nhưng không phế”.
Còn bạn Cao Đình Giang (Quy Nhơn – Bình Định) tâm sự: “Biển cho con người nhiều, nhưng biển lấy đi của con người cũng không ít. Mỗi chuyến đi biển của ngư dân luôn chứa đầy hy vọng, hy vọng một chuyến ra khơi trở về đầy ắp cá, hy vọng tất cả đều cập bến an toàn… Những gian khó, vất vả của thanh niên, trai tráng vùng biển ai cũng biết, nhưng những nỗi vất vả của người phụ nữ vùng biển thì dường như “thầm lặng” quá. Do vậy, tôi mong muốn rằng, các số Tạp chí tới đây, Thủy sản Việt Nam hãy viết nhiều hơn nữa về những người phụ nữ vùng biển, bởi với họ, đó như một lời động viên, sẻ chia giúp vơi nhẹ, nguôi quên những gánh nặng mà họ đang hàng ngày gồng mình gánh chịu”.
Còn rất nhiều, rất nhiều những lá thư của bạn đọc mà chúng tôi không thể kể hết ở đây. Thủy sản Việt Nam xin ghi nhận và nguyện luôn trân trọng, lắng nghe để thấu hiểu và chia sẻ phần nào những tâm tư mà quý vị bạn đọc gửi gắm.
Trân trọng!
Thủy sản Việt Nam