Tunisia: Phát triển tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù Tunisia có ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tương đối kém phát triển nhưng lại có tiềm năng rất lớn, với 1.350 km đường bờ biển Địa Trung Hải, vùng biển rộng hơn 80.000 km2 và 7 đầm phá có diện tích 100.000 ha.

Tổng quan

Cũng như hầu hết cư dân của vùng Địa Trung Hải, cá và các loại hải sản khác đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của người Tunisia với mức tiêu thụ trung bình 13,2 kg hải sản mỗi năm (FAO 2019). Do sản lượng khai thác tự nhiên giảm dần, cùng với sự gia tăng về nhu cầu đã dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực NTTS của nước này. Đến nay, 16% sản lượng thủy sản là từ nuôi trồng và ngành này cung cấp hơn 2.000 việc làm (SwitchMed 2021).

Trong những năm gần đây, việc nuôi cá tráp và cá chẽm trong lồng nổi và chìm tại các trang trại xa bờ đã phát triển đáng kể. Sản lượng của 2 loài này chiếm 96% sản lượng NTTS ở Tunisia. Cả nước hiện có 25 trang trại NTTS biển, mỗi trang trại sản xuất 400 đến 3.500 tấn/năm. Tổng sản lượng NTTS năm 2018 của Tunisia khoảng 22.000 tấn, trong đó hơn 20.000 tấn bao gồm các loài hải sản.

Thế mạnh

Tunisia có nhiều khu vực thích hợp để NTTS nhờ có bờ biển dài và rộng. Khu vực NTTS biển chính nằm ở Monastir Governorate, phía Đông của Tunisia. Cá nước ngọt chủ yếu được nuôi ở các khu vực có đập ở miền Bắc và miền Trung của đất nước.

Trang trại NTTS biển Porto Farina tại Ghar El Melh

Ông Houssem Sghaier, quản lý trại sản xuất giống tại Medimegh Aquatology Group, cho biết: “Ngoài nhiều địa điểm thích hợp, Tunisia còn có khí hậu thích hợp cho việc nuôi trồng các loài Địa Trung Hải, chi phí lao động và năng lượng thấp”.

Mohamed Azaza, Trưởng Bộ phận NTTS tại Viện Khoa học và Công nghệ Biển Quốc gia Tunisia (INSTM) giải thích: “Ở phía Nam của Biển Địa Trung Hải, nước có nhiệt độ tối ưu cho việc nuôi cá tráp, cá chẽm và ở đây cá nuôi có thể đạt quy mô thương mại nhanh hơn so với các địa điểm phía Bắc”.

 

Thách thức

Tuy nhiên, TS. Azaza cho biết, ngoài những cơ hội tuyệt vời, ngành NTTS của Tunisia cũng phải đối mặt với 4 thách thức chính. 

Thứ nhất: Hầu hết đầu vào phục vụ cho NTTS được nhập khẩu, điều này ảnh hưởng đến tính bền vững kinh tế của ngành. Tunisia không có khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất thức ăn và cá giống. Có 3 nhà sản xuất thức ăn ở Tunisia hỗ trợ lĩnh vực này, tuy nhiên gần 50% thức ăn được nhập khẩu vì các nhà sản xuất hoạt động dưới công suất do thiếu nguyên liệu thô. Cả nước chỉ có 2 trại sản xuất giống cá chẽm và tráp, cung cấp chỉ 13% cá giống cần thiết, phần còn lại được nhập khẩu. 

Thứ hai: Khả năng chấp nhận của xã hội đối với ngành NTTS còn thấp. Việc lồng ghép NTTS ở các vùng ven biển cần được quản lý bằng cách phân bổ các khu vực NTTS để giảm xung đột với các lĩnh vực khác.

Thứ ba: Nông dân Tunisia phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về dịch bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử thần kinh do virus (VNN) ở cá chẽm châu Âu. Để giảm tỷ lệ tử vong và sự xuất hiện của dịch bệnh, an toàn sinh học trong NTTS ở Tunisia cần được cải thiện.

Thứ tư: Các công nghệ và công cụ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo hoặc camera để giám sát lồng vẫn chưa được sử dụng, do chi phí đầu tư cao và thực tế là nông dân không nhận thức được các ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ các loại hình đầu tư này.

Đối với ông Sghaier, khó khăn chính là giá bán thấp tại các chợ địa phương. “Đôi khi chúng tôi bán với giá thấp hơn giá thành sản xuất để trả các khoản vay”, ông giải thích. Hầu hết sản lượng NTTS của Tunisia được bán tại các chợ địa phương, mặc dù gần đây nông dân cũng đã có thể tiếp cận thị trường quốc tế.

Ông Khaled Ridene, Giám đốc kỹ thuật của trang trại Porto Farina cũng đồng tình với nhận định này. Ông nói: “Chi phí đầu tư rất cao cho cơ sở hạ tầng, thức ăn và cá bột kết hợp với sự trì trệ của giá bán dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thu hẹp. Do đó, cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ để giải quyết những thách thức này và tạo ra một ngành NTTS bền vững và có lợi nhuận ở Tunisia”.

 

Sáng kiến của Chính phủ

Chính phủ Tunisia có kế hoạch phát triển lĩnh vực NTTS hơn nữa bằng cách hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh thông qua các ưu đãi tài chính như trợ cấp thuế, nhiên liệu và cơ sở hạ tầng. Chính phủ cũng hỗ trợ lĩnh vực này thông qua Trung tâm Kỹ thuật NTTS (CTA) của Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Nghề cá Tunisia. CTA hình thành mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học và ngành. CTA đã vận hành 5 mô hình trình diễn NTTS trên khắp cả nước, tổ chức các buổi đào tạo, tiến hành thực hiện nghiên cứu về các loài mới và kỹ thuật NTTS mới.

Hoạt động NTTS ngoài khơi bờ biển Tunisia

Để hỗ trợ ngành NTTS với các dự án nghiên cứu, phát triển và tư vấn kỹ thuật, Chính phủ Tunisia cũng đã thành lập 2 viện nghiên cứu, gồm: Viện Khoa học Biển và Công nghệ quốc gia Tunisia (INSTM) và Viện Công nghệ Sinh học cấp cao của Monastir (ISBM). INSTM thực hiện các chương trình nghiên cứu liên quan đến biển và các nguồn tài nguyên biển, còn ISBM cung cấp các khóa học học thuật trong lĩnh vực NTTS. Phòng thí nghiệm NTTS tại INSTM được thành lập năm 1999 với mục đích phát triển các công cụ khoa học và kỹ thuật, góp phần tối ưu hóa việc quản lý sản xuất NTTS, đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu tăng sản lượng và tính bền vững.

Tính đến năm 2014, Chính phủ Tunisia cũng đã thiết lập một hệ thống giám sát sức khỏe và vệ sinh động vật cho NTTS. “Việc có được sự chấp thuận của Tổng cục Thủy sản Tunisia là điều cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia vào lĩnh vực NTTS. Hệ thống giám sát sức khỏe và vệ sinh động vật cho NTTS sẽ góp phần tăng cường an toàn sinh học và tính bền vững cho ngành”, ông Khaled Ridene khẳng định. 

Nghiên cứu và phát triển

Có một số khoản tài trợ quốc tế dành cho việc phát triển và áp dụng các sáng kiến ​​và cải tiến nông trại. TS. Azaza đã tham gia vào một số chương trình do EU tài trợ. Một trong số đó là SwitchMed, một dự án do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với mục đích hỗ trợ phát triển NTTS bền vững ở Tunisia. Dự án đã phân tích chuỗi giá trị của ngành NTTS biển và xác định các điểm nghẽn trong ngành.

Trong một dự án tiếp theo, việc sử dụng các công nghệ SwitchMed II, SMART để cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn bằng cách giám sát sinh khối và lượng thức ăn ăn vào bằng hệ thống camera đang được thử nghiệm. Việc phân phối thức ăn có thể được điều chỉnh theo nhu cầu của cá và giảm thất thoát thức ăn. Hệ thống có thể được truy cập trên thiết bị di động, vì vậy những người làm việc trên lồng có thể truy cập trực tiếp và thực hiện các điều chỉnh cần thiết. Mục tiêu của công nghệ SMART này là cải thiện kinh tế trang trại và giảm tác động đến môi trường, 2 yếu tố chính để cải thiện tính bền vững của các trang trại cá địa phương và cũng góp phần cải thiện hoạt động tài chính của họ.

Ông Sghaier cho rằng, trong tương lai nên ưu tiên phát triển các trại sản xuất giống và nhà máy thức ăn chăn nuôi mới để đảm bảo ngành NTTS ở Tunisia có thể tự cung tự cấp và giảm chi phí sản xuất. 

Azaza cũng mong muốn có nhiều hoạt động được tổ chức và tích hợp hơn để đảm bảo ít xung đột giữa NTTS và các lĩnh vực khác, từ đó có thể cải thiện năng suất và chất lượng. Theo TS. Azaza, nên ưu tiên phát triển động vật có vỏ hơn là đa dạng hóa các loài cá có vây.

Nếu có những giải pháp linh hoạt, ngành NTTS Tunisia chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn, mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Hải Băng

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!