Sau những đợt mưa lũ đi qua, cửa sông An Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị nước đục “phong tỏa”. Lúc này, từng đàn cá đối từ ngoài biển ngược vào ở nên người dân dong ghe chở theo ngư cụ đánh bắt, có ngày thu được tiền triệu.
Sau đợt mưa lũ đi qua, thủy triều trên cửa sông An Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) rộng hàng trăm hecta rút xuống. Nơi sâu hơn 10m, nơi cạn vài chục cm; khu vực ven bờ những bãi bùn trơ đáy lộ ra những gốc cây đước, mắn… nguyên mình bộ rễ.
Cửa sông này là nơi hợp lưu của sông Trường Giang và sông An Tân trước khi đổ biển Đông. An Hòa đón nhận dòng nước ngọt hòa với nước mặn tạo thành nước lợ nên nhiều loại thủy hải sản sinh sống. Cũng vì thế mỗi ngày có hàng trăm người dân mưu sinh với đủ thể loại như: nghề bắt hến, bắt hàu; giăng lưới, thả câu bắt cá; thả lồng bắt tôm cua…
Thời khắc thủy triều xuống là lúc thích hợp để người dân sống quanh cửa sông hành nghề đánh bắt. Anh Trần Công Quang, xã Tam Giang ăn vội bữa cơm khi mặt trời đứng bóng, bắt đầu một buổi mưu sinh.
Anh Trần Công Quang chèo lái con thuyền bắt đầu một ngày thả lưới bắt cá trên cửa sông An Hòa
Anh mang dụng cụ ra bến thuyền nằm đầu làng và cho tấm lưới, nước uống… lên thuyền. Con thuyền rẽ sóng giữa biển nước mênh mông tìm đến nơi nước sâu từ 50 cm đến 100 cm dừng lại.
“Những nơi này đã được chúng tôi đánh dấu vì cá ở nhiều, phần nữa thuận lợi đối với nghề kéo lưới vây. Bởi nghề này phải ngâm mình trong nước, nơi nước sâu lút người thì không làm được”, anh Quang giải thích trước việc dừng thuyền và nói để thu về “chiến lợi phẩm” nhiều thì cần có sự may mắn. Chim trời cá nước nên ngày bắt được nhiều, ngày bắt được ít.
Chiếc thuyền gỗ dừng hẳn, anh Trần Công Văn – đồng nghiệp đi cùng nhảy xuống cầm một đầu lưới, còn anh Quang một tay thả lưới xuống, một tay đẩy thuyền di chuyển phía trước. Tấm lưới dài khoảng 400m, chiều cao hơn 2 m, phía trên được kết phao dày đặc, phía dưới gắn chì có tác dụng cho lưới nằm sát đáy.
Tấm lưới dài 400 m được thả xuống nơi nước sâu từ 60-100 cm
Khoảng 20 phút, lưới được thả xong tạo thành hình cánh cung thì neo thuyền lại. Mỗi người cầm một đầu dùng sức mình kéo tạo thành vòng tròn đến khi hai đầu gặp nhau sẽ khóa lại. Một người thu lưới, một người bắt cá.
“Khi kéo phải nhẹ nhàng tránh gây tiếng động, còn kéo nhanh lưới không nằm sát đáy cá chui ra ngoài. Có những lúc gặp gốc, cành cây, rác thải thì đến gỡ liền”, anh Quang nói và cho rằng nghề này chủ yếu bắt cá đối, chúng có đặc điểm nhảy ra ngoài rất nhanh, do đó phải biết gom lưới không để phao chìm xuống nước, không được chì có lỗ hổng.
Anh Quang có thâm niên hơn 15 năm hành nghề nên biết rõ được kinh nghiệm khi nào cá đối xuất hiện ở cửa sông. Theo anh để bắt được cá phải quan sát con nước lên xuống. Đây là yếu tố quyết định mẻ lưới bắt được cá hay không. Dựa vào kinh nghiệm nên sau mỗi đợt mưa lũ nước ở thượng nguồn chảy về cửa sông có màu đục, lúc này cá đối từ ngoài biển vào ở, còn các ngày khác nước trong cá ở ít.
“Trong năm tháng 7-8 âm lịch mưa lũ xuất hiện là mùa đánh bắt cá đối, tuy nhiên năm chỉ xuất hiện một đợt lũ duy nhất vào cuối năm. Cũng vì thế những ngày này ra sông thường xuyên để khai thác, khi làm việc dựa vào nước thủy triều. Nước xuống chúng tôi hành nghề, nước lên nghỉ”, anh Quang chia sẻ.
Sau gần 1 giờ, tấm được vây lại chỉ còn diện tích khoảng 10m2 cá bắt chạy toán loạn, có con nhảy ra phía ngoài, con mắc lưới vẫy vùng nước tung toé. Lúc này hai người bắt đầu bắt cá, mỗi người cầm trên tay một cái vợt, khi phát hiện con nào nhảy thì nhanh tay xúc, còn nào mắc lưới thì gỡ. Những con cá đối to bằng nắm tay, dài 30 cm cho vào khoang thuyền nhảy đành đạch.
Một con cá đối nặng gần 5 lạng bị mắc lưới
“Nghề kéo lưới rất vất vả vì phải ngâm mình trong nước, đôi chân di chuyển liên tục trong khi dưới đáy sông có nhiều vật sắc nhọn như vỏ hàu, vỏ ốc… đâm chảy máu. Do đó khi đi đôi chân phải nhẹ nhàng, có bị đâm thì không bị sát thương nhiều”, anh Quang nói về gian nan lúc hành nghề.
Mẻ lưới kết thúc, thành quả hai người thu về hơn 1 kg cá đối. Anh cùng đồng nghiệp kéo lưới lên thuyền và gỡ hết rác, cành cây, vỏ hàu bám vào để di chuyến đến nơi khác đánh bắt. “Cá đối loại to có giá gần 150.000 đồng/kg, loại nhỏ 70-100.000 đồng/kg. Mỗi hôm ra sông đánh bắt thu nhiều nhất hơn 1 triệu đồng, ngày ít vào trăm ngàn đồng”, anh nói và cho hay cá đối có thịt thơm ngon và được nhiều người ưa thích. Cá đưa về thương lái đến tận nhà thu mua. Đây là loài cá chỉ sinh sản phát triển trong môi trường tự nhiên, chưa được con người nhân tạo để nuôi trồng.
Cá sau khi gỡ khỏi lưới được cho vào vợt tránh bị nhảy ra ngoài
Ngoài cá đối ra, thỉnh thoảng những ngư phủ này bắt được cá hành, cá dìa, cua… loại này giá bán cao gấp nhiều lần đã góp phần tăng thêm nguồn thu. Công việc các mẻ lưới tiếp theo được lặp lại như vậy cho đến khi thủy triều lên lại.
Cách nơi anh Quang đang thả lưới 200 m, ông Nguyễn Văn Tùng cùng vợ đang kéo lưới. Vợ chồng đã kéo được hai mẻ thu về 3 kg cá đối. Ông Tùng có nhiều năm hành nghề trên cửa sông này và quen thuộc những địa điểm có cá ở nhiều để khai thác.
“Khu vực thả lưới rất quan trọng đối với những người làm nghề như chúng tôi, bởi nó quyết định có cá hay không có. Như trước đây đánh bắt một lần trong lúc kéo không vướng gốc cây, rác thải thì nhớ trong đầu. Bởi mỗi lần lưới mắc vào tạo lỗ hổng cá ra ngoài, lưới bị rách”, ông Tùng cho hay.
Theo ông Tùng, cá đối thường đi theo đàn, một khi gặp thì sẽ bắt được nhiều nhưng khi bắt phải thao tác nhanh chóng. Lưới thả xuống tuyệt đối không có lỗ hổng, phao không bị chìm trong nước. Nếu sơ sẩy chúng sẽ nhảy ra ngoài. “Cá đối được nấu dưa cải, sốt cà chua, chiên, kho… ăn rất ngon. Ngày may mắn, vợ chồng bắt được hơn 10 kg bán được 1,5 triệu đồng, có ngày được vài kg”, người đàn ông 50 tuổi thông tin.
Một con cá hanh nặng gần 1 kg mắc lưới
Sau khi bắt cá xong, lưới được gom lên thuyền và di chuyển đến nơi khác tiếp tục đánh bắt
Cá đưa về nhà và phân loại bán cho thương lái