Trương Văn Trị – chàng trai sinh năm 1980, nhà nghèo không cục đất chọi chim đã trở thành tỷ phú nhờ vốn kiến thức từ nghề được học và tự nghiên cứu ở một vùng quê ven biển Thái Bình.
Nhiều năm nay, nhiều người dân ở xã ven biển Nam Cường (huyện Tiền Hải, Thái Bình) sống khỏe với nghề nuôi trồng thủy sản. Muốn làm giàu bằng nghề này, phải có đất và vốn. Vậy mà Trương Văn Trị – chàng trai sinh năm 1980, nhà nghèo không cục đất chọi chim đã trở thành tỷ phú nhờ vốn kiến thức từ nghề được học và tự nghiên cứu.
Trị kể, nhà nghèo nhưng có đến 4 anh em nên khi tốt nghiệp cấp 3, anh không dám mơ vào giảng đường đại học. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, Trị thi vào khoa Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản Trường Trung cấp Nuôi trồng thủy sản Bắc Ninh và đậu với số điểm khá cao.
Trương Văn Trị giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho khách.
Năm 2003, Trị tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại làm việc ở trường nhưng anh quyết định về Tiền Hải, tìm cơ hội làm giàu trên quê hương. Thiếu đất, thiếu vốn, kinh nghiệm thực tế lại chưa có nhiều, Trị quyết định ra đảo Cát Bà (Hải Phòng) xin làm việc ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1. Mức lương 950.000 đồng/tháng vậy mà Trị vẫn… sống được và có tích lũy. Học được nhiều, Trị lại càng đau đáu mong có cơ hội được làm chủ một trang trại nuôi cá ngay tại quê nhà. Nhớ những ao đầm đang bỏ hoang ở xã, Trị liên hệ với ông chủ tịch xã Nam Cường xin thuê gần 0,8 ha thời hạn 5 năm với 4 triệu đồng – số vốn mà anh dành dụm bao năm đi làm thuê để nuôi cá nước ngọt.
Nộp xong tiền cho xã, túi Trị cũng sạch tiền. Thế là tiền đào ao, mua cá giống, thức ăn, Trị phải vay mượn gia đình, bạn bè. Có lúc bí bách, anh lấy cả nhẫn cưới của vợ chồng đi cầm cố lấy tiền nuôi cá. Tuy nhiên, các giống cá nước ngọt mà anh nuôi giá thành khá cao trong khi giá xuất ao lại thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều lúc Trị nản, muốn bỏ nghề. Anh nhớ lại, hồi còn nhỏ theo bố đi biển, anh từng bắt cá vược con rồi đem thả bừa ở ao nhà. Mấy tháng sau tát ao, vẫn thấy có vài con sống. Nhớ lại và Trị quyết định thử thuần hóa cá vược trong môi trường nước ngọt.
Tháng 2.2006, Trị nhập về 10.000 con cá vược có nguồn gốc Thái Lan với giá 2.000 đồng/con. Vào nước ngọt, cá chết 90%, Trị lỗ 17 triệu đồng. Không nản, anh cứ đo nhiệt độ, đo nước, rồi bắt cá lên xem xét, hý hoáy ghi chép tỷ mỷ. Mẻ thứ 2, Trị vẫn nhập 10.000 con, tỷ lệ chết là 60%. Sau một tháng Trị bán 3.000 con cá giống, để lại 1.000 con nuôi cá thịt. Xuất ao, anh hòa vốn nhưng học được rất nhiều kinh nghiệm. Kiên trì thuần hóa, đến cuối năm 2006, tỷ lệ cá chết chỉ còn 15 – 20%. Qua năm 2007, có đến 90% số cá vược sống được trong môi trường nước ngọt. Lúc này, Trị thở phào và tuyên bố mình đã thành công.
Trương Văn Trị là người đầu tiên ở Việt Nam nuôi thành công một loài cá biển có giá trị kinh tế cao trong môi trường nước ngọt và được T.Ư Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của 2008, Cúp Tài năng trẻ toàn quốc năm 2009, Giải thưởng Sao Thần Nông, gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2009…
Từ 1 vạn con cá giống những ngày đầu tiên, giờ trang trại của Trị đã cung cấp hơn 1 triệu con giống cho khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, trang trại của anh rộng 10 ha, lãi mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. Ngoài con cá vược, Trị còn khá “mát tay” với các con giống có giá trị kinh tế cao như ngao, cá sủ, cá vây vàng. Trang trại của anh đang tạo việc làm ổn định cho hơn 20 nhân công với mức lương 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Những lao động này được ông chủ trẻ lo chỗ ăn, nghỉ ngay tại trang trại.
Mỗi ngày, vừa tất bật công việc tại trang trại, Trị còn đến lớp học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội mở tại Thái Bình (anh thi đậu năm 2009). “Có kiến thức thì không lo nghèo. Học xong đại học, nhất định tôi sẽ dốc sức nghiên cứu thêm những cách làm mới để việc sản xuất đạt hiệu quả cao hơn” – Trị nói.