(TSVN) – Tảo biển nổi tiếng là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng vì chúng chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học cao như pholyphenols, sulfated polysaccharides và peptides. Trong đó, các loài tảo nâu được xem là nguồn giàu dẫn xuất fucose-rich sulfated polysaccharides (Fucoidan). Từ lâu, Fucoidan đã được sử dụng rộng rãi trong y học và gần đây cũng đã được ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản. Bài viết này sẽ cập nhật những thông tin mới nhất chứng minh lợi ích của Fucoidan lên sức khỏe động vật thủy sản.
Fucoidan là một phức hợp giàu fucose-sulfated polysaccharides – một hợp chất có mặt phổ biến trong vách tế bào tảo nâu. Cấu trúc của Fucoidan bao gồm nhiều nhóm ester sulfate liên kết với đường L-fucose và một số đường đơn như glucose, mannose, Xylose, Galactose. Các loại tảo nâu khác nhau sẽ chứa hàm lượng fucoidan khác nhau, dao động từ 19% ở tảo bẹ (Ecklonia radiate) đến 51,2% ở ở nhóm tảo nâu Cladosiphon sp. Fucoidan được chứng minh là một chất chống ôxy hóa cao, kháng viêm, chống ung thư, bảo vệ chức năng gan và tim.
Vì thế, đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Hiện nay, phương pháp sử dụng enzyme được xem là phương pháp tối ưu để chiết xuất Fucoidan cho sản xuất quy mô lớn.
A. Tảo nâu (Sargassum wightii) B. Bột Fucoidan C. Công thức cấu tạo Fucoidan
Gần đây, một vài nghiên cứu đã chứng minh được bổ sung Fucoidan sẽ giúp giảm lượng bột cá sử dụng trong thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá. Sony và các cộng sự (2020) đã thực hiện nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung Fucoidan lên cá tráp đỏ Nhật Bản ở giai đoạn giống. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung 0,3 – 0,4% Fucoidan không những thay thế 50 – 70% lượng bột cá mà còn kích thích tăng trưởng, cải thiện miễn dịch, gia tăng các chỉ tiêu huyết học và giúp cá tăng khả năng chống stress.
Trên cá, bổ sung 1% Fucoidan chiết xuất từ tảo bẹ (Undaria pinnafitida) trong vòng 52 ngày sẽ giúp cải thiện tăng trưởng và tăng độ săn chắc của cơ thịt trên cá chẽm ở giai đoạn giống. Prabu và các cộng sự cũng chứng minh, bổ sung 3% Fucoidan chiết xuất từ tảo mơ (Sargassum wightii) sẽ làm gia tăng trọng lượng, tốc độ tăng trưởng và tăng hiệu quả sử dụng đạm trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Ngoài ra, việc bổ sung 0,9% Methionine kết hợp với Fucoidan sẽ giúp cải tăng trưởng trên cá trôi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, việc bổ sung Fucoidan không ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng trên cá rô phi.
Trên tôm, việc bổ sung Fucoidan chiết xuất từ tảo bẹ (Undaria pinnafitida) với liều lượng 0,5 – 2 g/kg thức ăn sẽ giúp cải thiện tăng trưởng, giảm tỷ lệ FCR trên tôm sú ở giai đoạn postlarvae. Tương tự, Arizo và các cộng sự (2015) đã chứng minh rằng, bổ sung Fucoidan chiết xuất từ tảo mơ (S. polycystum) với liều lượng 0,5 g/kg thức ăn sẽ giúp cải thiện tăng trưởng và giảm tỷ lệ FCR trên tôm càng xanh. Ngoài ra, việc bổ sung 0,1 – 0,4% Fucoidan chiết xuất từ tảo xoắn sẽ giúp cải thiện tăng trưởng và các chỉ tiêu miễn dịch cũng như giảm tỷ lệ FCR trên TTCT.
Trong một nghiên cứu, Cui và các cộng sự đã chỉ ra rằng, bổ sung Fucoidan (30 g/kg thức ăn) không chỉ làm tăng số lượng lợi khuẩn Aeromonas and Cetobacterium và giảm đi số lượng vi khuẩn có hại Plesiomonas and Mucinivorans mà còn gia tăng hàm lượng các men tiêu hóa lipase, amylase, chomotrypsin, trypsin trên cá chép.
Bên cạnh đó, việc bổ sung chiết xuất Fucoidan sẽ làm tăng lợi khuẩn thuộc giống Firmicutes và giảm lượng Vibrio sp trên tôm thẻ bạc. Tuy nhiên, Schleder và các cộng sự đã chỉ ra rằng, bổ sung 4% Fucoidan chiết xuất từ tảo bẹ (Undaria pinnafitida) và tảo mơ (S. filipendula) không làm tăng hoạt động của men tiêu hóa đạm (protelytic enzyme) nhưng làm tăng hoạt động của men tiêu hóa tinh bột (amylase).
Trên cá, một nghiên cứu gần đây cho thấy, bổ sung 2 – 3% Fucoidan trong khẩu phần ăn trong vòng 45 ngày sẽ giúp giảm tỷ lệ chết trên cá tra khi gây cảm nhiễm với A.hydrophila. Tương tự, Mahgoub và các cộng sự cũng chứng minh rằng, việc bổ sung chiết xuất Fucoidan trong khẩu phần ăn của cá rô phi sẽ làm giảm tỷ lệ chết, giảm tỷ lệ tổn thương cơ thịt khi gây cảm nhiễm với Flavobacterium columnare. Ngoài ra, nghiên cứu trên cá Rohu cũng cho thấy, nhóm bổ sung 2% Fucoidan và 0,9% methionine có tỷ lệ sống cao nhất sau khi cảm nhiễm với A. hydrophila.
Trên tôm sú, bổ sung Fucoidan với liều lượng 0,5 – 2 g/kg thức ăn sẽ giúp tăng tỷ lệ sống của postlarvae sau khi gây cảm nhiễm với Vibrio harveyi. Cũng trên tôm sú, bổ sung Fucoidan với liều lượng 0,1 – 0,3% trong vòng 60 ngày sẽ làm tăng khả năng kháng lại Vibrio parahaemolyticus. Ngoài ra, Kitikiew và các cộng sự cũng kết luận rằng, bổ sung 1 – 2 g Fucoidan/kg thức ăn trong vòng 21 ngày sẽ làm tăng tỷ lệ sống trên TTCT sau khi gây cảm nhiễm với Vibrio alginolyticus.
Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung Fucoidan sẽ giúp làm giảm tỷ lệ chết trên tôm khi cảm nhiễm với WSSV. Trên tôm càng xanh, việc bổ sung Fucoidan chiết xuất từ tảo mơ (0,5 g/kg thức ăn) trong vòng 28 ngày sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm tỷ lệ chết sau khi gây cảm nhiễm với WSSV. Tương tự, một nghiên cứu trên TTCT cũng chỉ ra bổ sung 0,4% Fucoidan chiết xuất từ tảo nâu trong vòng 60 ngày sẽ giúp tăng cường khả năng kháng lại WSSV. Ngoài ra, nghiên cứu trên tôm hùm nước ngọt cho thấy, bổ sung Fucoidan sẽ cải thiện tỷ lệ sống sau khi gây nhiễm với WSSV.
Fucoidan được chiết xuất chủ yếu từ tảo nâu và tảo nâu được trồng phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bổ sung Fucoidan trong khẩu phần ăn sẽ giúp động vật thủy sản cải thiện tăng trưởng, miễn dịch và cải thiện sức khỏe đường ruột. Với những lợi thế như trên, Fucoidan hoàn toàn có tiềm năng trở thành phụ gia thức ăn không thể thiếu trong ngành công nghiệp NTTS.
Lê Nguyễn Diệu An
(Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1050464822000481)
Bài tổng hợp rất ý nghĩa đối với ngành NTTS… từ sx giống đến nuôi thương phẩm, từ tôm cá biển đến tôm cá nước ngọt ….
Giá Fucoidan không còn đắt đỏ, việc sử dụng Fucoidan để bổ sung vào thức ăn thủy sản rất khả quan