Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi cá thâm canh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với nhiều ưu điểm vượt trội như vận hành tự động, dễ dàng quản lý từ xa, quản lý tốt dịch bệnh, môi trường nước, mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi cá thâm canh đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực.

Lợi ích

Ứng dụng công nghệ 4.0 hệ giúp kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh là một trong những tiến bộ kỹ thuật mới nhất hiện nay của ngành thủy sản. Mô hình này giúp cho các hộ dân thay đổi phương thức nuôi trồng truyền thống sang phương thức công nghệ số cho người nuôi, khắc phục những hạn chế so với nuôi truyền thống. Hỗ trợ người nuôi quản lý tốt dịch bệnh và môi trường nước ao nuôi, tiết kiệm nước, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhờ hệ thống cảm biến, người nuôi đã theo dõi, kiểm soát được các yếu tố môi trường nước, quản lý các chỉ số chất lượng nước trong ao nuôi và chủ động cài đặt, hẹn giờ, điều khiển từ xa để điều chỉnh môi trường nước thông qua chiếc điện thoại thông minh đã cài đặt mạng internet.

Lắp đặt hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước tại mô hình nuôi cá thâm canh ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Đức

Áp dụng quy trình nuôi cá thâm canh kết hợp vận hành hệ thống cảm biến sẽ giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường và sự phát tán mầm bệnh, nâng cao hiệu quả phòng bệnh trong nuôi thủy sản, tăng mật độ trên một đơn vị diện tích từ đó tăng năng suất và sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế.

Thiết bị

Máy quạt nước: Cá sống trong nước nên hàm lượng ôxy hòa tan trong nước rất cần thiết cho đời sống của cá, đảm bảo sự sống và phát triển của chúng. Máy sục khí tạo ôxy có tác dụng tăng cường khí ôxy trong nước bằng cách thổi không khí vào trong môi trường nước và tạo các dòng chảy nhân tạo, từ đó không khí chứa ôxy sẽ được hòa tan vào nước giúp cá hô hấp khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, máy sục khí còn có tác dụng đảo đều nước.

Máy cho cá ăn tự động: Lắp đặt hệ thống cho ăn tự động khiến chất lượng nước được cải thiện và tôm được cho ăn liên tục nên đảm bảo cá sẽ khỏe mạnh hơn. Đồng thời, việc cải thiện chất lượng nước cũng giúp hạn chế dịch bệnh, làm giảm nguy cơ tôm chết. Bên cạnh đó, lợi nhuận gia tăng do tiết kiệm được chi phí nhân công và giá thành sản xuất. Máy cho ăn mang đến trải nghiệm theo dõi và quản lý thức ăn thông minh trong trang trại nuôi cá. Với hệ thống cảm biến giúp thức ăn được rải đều, không vỡ vụn và thông báo khi hết thức ăn.

Hệ thống cảm biến: Theo phương pháp nuôi cá truyền thống, việc đánh giá môi trường nước chủ yếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm và nhìn trời đoán thời tiết, do đó độ chính xác, kịp thời không đảm bảo, dẫn đến số lượng, năng suất thấp. Tuy nhiên, khi ứng dụng hệ thống cảm biến kết hợp máy cho cá ăn tự động, người nuôi dễ dàng kiểm soát được các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi, hàm lượng ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ nước. Máy được đặt trực tiếp dưới ao giúp kiểm tra các thông số môi trường nước: pH, nhiệt độ, độ mặn, ôxy… 24/24h một cách tự động và dễ dàng. Giúp người nuôi theo dõi biến động môi trường liên tục ở bất kỳ đâu để có biện pháp phòng từ sớm. Khi chỉ số nào đó vượt ngưỡng, máy sẽ lập tức cảnh báo, giúp giảm rủi ro cá chết hàng loạt do thiếu ôxy đột ngột. Đặc biệt, với sáng chế độc quyền tự động vệ sinh đầu dò giúp đảm bảo độ chính xác và tuổi thọ cao.

Tủ điều khiển: Có các đèn thông báo bật tắt, lắp đặt tủ điều khiển giúp người nuôi dễ dàng điều khiển và giám sát ao nuôi từ xa thông qua ứng dụng, từ đó tiết kiệm công sức, nhân công, an toàn tính mạng, giảm chi phí về điện. Người nuôi có thể cài đặt chế độ tự động bật tắt theo giờ, theo điều kiện để đảm bảo rằng không có người ở ao thì mọi thứ vận hành vẫn chính xác.

Hiệu quả kinh tế

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản, trong 2 năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vào triển khai mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh cao. Hiện đã cho những kết quả tích cực và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của người dân địa phương.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật và có hệ thống cảm biến trợ giúp nên dù thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường nhưng đàn cá vẫn tăng trưởng nhanh. Tỷ lệ nuôi sống sau 6 tháng đạt 84,52%, tiêu tốn thức ăn hơn 1,81 kg thức ăn/kg tăng trọng, cho trọng lượng bình quân đạt 2,63 kg/con (cá trắm cỏ). Ngoài ra, không chỉ nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản mô hình được triển khai còn góp phần nâng cao kiến thức và nhận thức của người nuôi thủy sản, thay đổi về thói quen, hành vi trong nuôi thủy sản theo hướng tích cực, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!