Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn rất nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL, ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá tra. Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi, ngành thủy sản đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó.
Cụ thể, Tổng cục Thủy sản cho biết, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trước hạn hán, xâm nhập mặn, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Nam bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thủy văn, hạn hán và xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc môi trường, thông tin kịp thời, hướng dẫn giải pháp để người dân biết, chủ động phòng ngừa. Về lâu dài cần tham mưu, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ NTTS của địa phương cho phù hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Ảnh minh họa
Cùng đó, hướng dẫn người nuôi thực hiện một số giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, như: Thường xuyên theo dõi chất lượng nước ao nuôi, chất lượng nguồn nước cấp, thực hiện các khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; Hạn chế thay nước, đặc biệt là khi nguồn nước cấp có độ mặn tăng cao; áp dụng mô hình nuôi ít thay nước, nuôi tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm vi sinh, sản phẩm xử lý môi trường… nhằm cải thiện chất lượng nước ao nuôi; Gia cố, kè bờ ao chắc chắn để tránh rò rỉ và ngăn thẩm lậu nước mặn từ bên ngoài vào ao nuôi.
Ngoài ra, khi độ mặn tăng cao nên hạn chế cho ăn, đồng thời bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Đối với loại hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên kênh, rạch, ven sông, khi nước bị nhiễm mặn cần báo cáo cấp có thẩm quyền và tạm di dời đến địa điểm phù hợp (nếu được phép) để hạn chế thiệt hại. Đặc biệt, chỉ thả giống vụ mới khi đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nước có chất lượng phù hợp với thủy sản nuôi.