Tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt tại khu vực ĐBSCL. Để hạn chế thiệt hại và thích ứng lâu dài với hạn, mặn, nhiều giải pháp trong nuôi tôm đã được triển khai.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ thích hợp cho tôm là từ 28 – 300C, độ mặn là 15 – 25‰; tuy nhiên tác động gay gắt từ hạn, mặn đã phá vỡ điều kiện lý tưởng này cho nuôi tôm; hiện, có những vùng ven biển tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm nước lợ, độ mặn lên tới 30‰, độ mặn cao đã phát sinh một số dịch bệnh trên tôm. Như tại Trà Vinh, toàn tỉnh có hơn 1.470 trong tổng số 7.223 hộ nuôi tôm bị thiệt hại với số lượng 256 triệu con giống, trên diện tích hơn 480 ha mặt nước. Tôm nuôi bị chết khi từ 25 đến 40 ngày tuổi vì bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy; tại tỉnh Bến Tre đã có 722 ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng…
Dưới tác động ngày càng khốc liệt của hạn, mặn, việc nuôi tôm theo hình thức truyền thống với ao đất, mặt nước không mái che sẽ rất khó thành công; do đó, để tôm nuôi được an toàn hơn, giải pháp đầu tiên phải tính tới là giữ ổn định nền nhiệt cho các ao tôm thông qua việc sử dụng mái che, có thể bằng công nghệ nhà màng, trại tôm có thể thả nuôi quanh năm khắc phục triệt để tác động tiêu cực của thời tiết; còn đối với những hộ nuôi có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, việc sử dụng hệ thống lưới len được xem là giải pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn cho tôm nuôi trong tình hình hạn, mặn gay gắt. Theo ông Huỳnh Thanh Dũng, hộ nuôi tôm tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, nuôi lưới len để giảm mật độ tảo, bởi tảo nhiều gây dơ nước, môi trường dao động thường xuyên, nuôi tôm khó thành công.
Ảnh minh họa
Còn để ổn định độ mặn trong nước, người nuôi phải hạn chế thay nước, do đó, nguồn nước bắt buộc phải sạch; muốn vậy, người nuôi tôm cần có quy trình xử lý bài bản, trong đó ứng dụng vi sinh thay thế kháng sinh là cách làm hiệu quả và bền vững. Ông Văn Thanh Giảng, hộ nuôi tôm tại xã Vịnh Thịnh chia sẻ, mùa nắng nóng, nguồn nước phát sinh nhiều tảo độc, mầm bệnh, giải pháp là dùng vi sinh để hấp thu các khí độc trong ao; hạn chế lấy nước bên ngoài từ đó hạn chế tác động xâm nhập mặn vào. Ngoài ra, khi có được điều kiện lý tưởng về nhiệt độ cũng như độ mặn, để việc thả nuôi đạt hiệu quả, người nuôi tôm cần lựa chọn nguồn giống chất lượng cao tại chỗ; bởi, việc sản xuất, ương dưỡng ngay ở các vùng nuôi, khả năng con giống thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng tại chỗ sẽ tốt hơn.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để hạn chế hạn mặn trong nuôi tôm, người nuôi cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, từ việc dọn ao đầm, lựa chọn con giống, ứng dụng quy trình kỹ thuật; Các địa phương đẩy mạnh quan trắc môi trường để đưa ra những giáp pháp khắc phục kịp thời.