T2, 06/07/2020 09:46

Ứng phó ra sao, giải pháp thế nào?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Trước thực trạng ngành thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNL TS) 2006 – 2010 và phương hướng, giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2015. Xung quanh vấn đề KT&BVNL TS đã có một số ý kiến đóng góp.

Ông Vũ Văn Nam (Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNL TS tỉnh Quảng Ninh)

 

Phải cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý

Việc đăng ký, đăng kiểm và cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho ngư dân nếu chỉ tập trung ở Chi cục KT&BVNL thì sẽ rất bất tiện. Chi cục đã tham mưu để Sở NN&PTNN trình UBND tỉnh phân cấp quản lý cho cấp huyện. Năm 2009, UBND tỉnh đã chấp nhận và có quyết định phân cấp đăng ký, đến năm 2010, tiếp tục phân cấp việc cấp Giấy phép Khai thác thủy sản đối với các tàu cá dưới 20CV cho cấp huyện. Theo phân cấp mới, cấp huyện sẽ thực hiện 77% khối lượng công việc, còn Chi cục chỉ thực hiện 23%. Việc phân cấp trên đã huy động thêm lực lượng cán bộ quản lý bổ sung thêm cho số lượng cán bộ vốn đã quá ít ở Chi cục. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho số đông ngư dân khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến tàu cá và người hoạt động trên tàu cá. Đội ngũ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục nhanh gọn, không gây phiền hà, sách nhiễu. Việc làm này vẫn duy trì tốt đến nay, được ngư dân ủng hộ và khen ngợi.

Bên cạnh đó, tỉnh có kiến nghị cần xây dựng nhanh một hệ thống kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương với đầy đủ phương tiện và nhân lực. Mặt khác, phải có thẩm quyền pháp lý đủ mạnh để chủ động kiểm tra xử lý vi phạm.

 

 

TS. Vũ Huy Thủ (Nguyên Phó Cục trưởng Cục KT&BVNL TS)

Khó khăn lớn nhất vẫn là chuyện đầu tư

Theo tôi, khó khăn lớn nhất trong công tác KT&BVNL TS là chưa đầu tư thích đáng về tổ chức, lực lượng, vật tư… Nhìn chung, tất cả đề tài nghiên cứu về biển hết sức manh mún, tài chính hạn hẹp. Nguồn lực cán bộ chuyên môn yếu và ít. Ở nhiều cấp huyện và cấp xã của các tỉnh hầu như không có công chức chuyên ngành. Vì vậy, trách nhiệm của nhà nước là cần đầu tư kinh phí thích đáng cho công tác KT&BVNL TS. Phải đầu tư cho lực lượng nhân sự, sớm ra đời Cục Kiểm ngư (nhân lực, vật lực, tài chính), đầy đủ chức năng, nhiệm vụ từ trung ương tới địa phương. Đầu tư tăng cường kiểm tra kiểm soát công tác KT&BVNL TS. Phải có cơ chế chính sách cho cộng đồng, để họ tham gia bảo vệ nguồn lợi chung, đưa trách nhiệm tới các cấp huyện, xã, hương ước làng xóm…

 

 

 

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình (Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNL TS tỉnh Thừa Thiên – Huế)

Xã hội hóa công tác KT&BVNL TS

Quản lý nhà nước về khai thác thủy sản trong những năm gần đây tại Thừa Thiên –  Huế đã có những chuyển biến hết sức khôn ngoan, ứng phó với xu hướng suy giảm nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường thủy sản. Trong bối cảnh nguồn lực quản lý nhà nước có hạn chế về ngân sách và con người thì việc huy động các nguồn lực xã hội để tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sinh là cách cần thiết. Ở đây, không chỉ dừng ở chính sách, mà tại Thừa Thiên – Huế đã phát triển được các nền móng để xây dựng thành công một hệ thống của ngư dân địa phương. Toàn tỉnh cho đến nay đã phát triển được 57 Chi hội Nghề cá cơ sở, đây là hạt nhân để nhà nước trao quyền khai thác thủy sản, chia sẻ trách nhiệm quản lý. Với cơ chế tự quản tại chỗ, hiệu lực và hiệu quả quản lý thủy sản ngày một được cải thiện.

 


Ông Tưởng Phi Lai (Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển bền vững)

 

Cần một tư duy và phương pháp quản lý mới

Thực tế, để giải quyết vấn đề suy giảm nguồn lợi thủy sản ở nước ta cần rất nhiều hệ thống giải pháp khác nhau, tuy nhiên điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề suy giảm nguồn lợi thủy sản và quyết liệt làm việc với nó. Kinh nghiệm trong việc quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên đất, nguồn nước, thủy sản …ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, chỉ khi nào tài nguyên được sử dụng một cách có trách nhiệm, thông qua giao quyền sử dụng cho những đối tượng hưởng lợi trực tiếp, khi đó tài nguyên sẽ được khai thác, sử dụng có trách nhiệm hơn, phục vụ cho phát triển lâu dài. Ở nước ta, nguồn lợi thủy sản vẫn là của chung, đời sống người dân còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế, trong bối cảnh đó dù các cơ quan chức năng có được trang bị, đầu tư hiện đại bao nhiêu, cũng khó mà kiểm soát được vấn đề. Thời gian qua, đã có một số địa phương thí điểm việc giao quyền khai thác và sử dụng nguồn lợi thủy sản thông qua các mô hình đồng quản lý ví dụ như ở Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Bến Tre, Sóc Trăng, Đắk Lắk …và bước đầu đã có kết quả tốt: khai thác xâm hại giảm đáng kể, nguồn lợi có dấu hiệu phục hồi và được người dân đồng tình hưởng ứng. Cách làm đó cần được tiếp tục nhân rộng và hỗ trợ.

 

           

 

Kịch bản những tác động ảnh hưởng đến NLTS Việt Nam:

– Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao sẽ làm hàng chục ha đất bị xâm mặn, tác động mạnh tới môi trường sống của quần thể các hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ.

– Nước sông Mekong cạn, các quốc gia thượng nguồn trữ nước sông Mekong trong mùa khô, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thủy điện, đời sống sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến việc khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên sông. Hay việc thay đổi dòng chảy, xây dựng đập thủy điện gây phá vỡ sự liên tục của hệ thống sinh thái và gây nhiều tác hại chồng chất.

– Khai thác tận diệt nguồn thủy sản bằng công nghệ, kỹ thuật cao, nguồn lợi thủy sản có được tái tạo cũng chỉ giới hạn. Một số loài thủy sinh bị tận diệt dẫn tới tuyệt chủng, nhiều loài dần biến mất.

– …

 

Vũ Mưa (Thực hiện)


 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!