Ngày 20/12, tại Hòa Bình, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT Hòa Bình tổ chức Hội nghị giao ban nuôi trồng thủy sản nội đồng các tỉnh phía Bắc năm 2019; nhằm đánh giá hiện trạng quản lý sản xuất nuôi thủy sản nước ngọt tại các tỉnh phía Bắc và bàn giải pháp quản lý, phát triển sản xuất các năm tiếp theo.
Số liệu tại hội nghị cho thấy, diện tích tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của vùng khoảng 328.252 ha; trong đó, 89,4% diện tích nuôi nước ngọt, 11,6% diện tích nuôi nước mặn, lợ. Ngoài ra, các tỉnh miền núi phía Bắc còn có hàng trăm nghìn ha mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa. Năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc ước đạt 194.042 ha, trong đó nuôi nước ngọt 152.885 ha, nuôi mặn lợ 41.157 ha; sản lượng thu hoạch đạt 902.769 tấn (nuôi nước ngọt: 625.295 tấn, nuôi mặn lợ: 278.321 tấn).
Nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội. Một số vùng có khả năng phát triển nuôi các đối tượng chủ lực phục vụ xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, hàu, tu hài, ốc hương… Tuy nhiên, quy mô nuôi nước ngọt ở các tỉnh phía Bắc còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung… Nguồn giống thiếu hụt được cung cấp từ các tỉnh miền Trung, Nam, Tây Nguyên và nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan không chủ động và khó kiểm soát chất lượng…
Đối với các tỉnh miền núi, do đặc điểm địa hình, diện tích manh mún, cần đa dạng hóa đối tượng nuôi, ưu tiên phát triển các đối tượng thủy đặc sản theo vùng sinh thái, thực hiện phương châm “mỗi vùng một sản phẩm” để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hóa.
Đối với các địa phương có nhiều diện tích tiềm năng để phát triển NTTS hàng hóa (vùng đồng bằng và trung du, các địa phương có nhiều hồ chứa, sông suối có thể phát triển NTTS) cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để phát triển thành vùng sản xuất NTTS hàng hóa tập trung. Ưu tiên phát triển nuôi cá lồng các loài có giá trị kinh tế trên sông, hồ chứa; nuôi cá nước lạnh, cá rô phi đơn tính.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung về kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2020; tình hình nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản phục vụ nhu cầu sản xuất; việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình nuôi thủy sản tiên tiến, đạt hiệu quả cho người nuôi; đánh giá tiềm năng, lợi thế, khó khăn trong nuôi trồng thủy sản tại các địa phương.
Tổng cục Thủy sản đề nghị, cần tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển NTTS, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong NTTS. Củng cố cơ quan quản lý NTTS ở các địa phương, tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật, mở các lớp đào tạo kỹ thuật để hướng dẫn người nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng các mô hình sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thủy sản để trao đổi thông tin, hỗ trợ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả, giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ, chủ động sản xuất giống chất lượng tốt; tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, đặc biệt công tác kiểm dịch. Ngoài ra, cần đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bênh. Trong đó, xây dựng quy trình quan trắc, tập huấn và triển khai công tác dự báo, cảnh báo môi trường cho người nuôi tại vùng nuôi tập trung nhằm hạn chế rủi ro. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác khuyến ngư, xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào ương nuôi giống truyền thống, giống bản địa, giống mới. Đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề nâng cao kiến thức NTTS cho người nuôi…