Có cá tôm là có ngư phủ, vạn chài. Vạn chài trên sông hồ thời nào cũng thấm đẫm hồn quê, bởi bóng dáng, hình hài của những ngư phủ, con thuyền, cánh buồm, mãi nghiêng soi nơi bến nước.
Bức tranh thủy mặc
Con người là động vật tiến hóa nhất trên trái đất nhưng bơi không bằng cá, bay không bằng chim. Muốn bắt cá dưới nước phải dùng lưới, đó, đăng, te, thẻo, vó, nơm… Muốn bắt cá xa bờ phải có ghe, thuyền, và đương nhiên phải giỏi tay chèo lái, phải lành nghề giăng câu, quăng lưới. Ngư phủ, vạn chài có từ ngày đó…
Làng chài Tràng Đà thượng nguồn sông Lô xuất hiện từ 300 năm trước, bên phố núi Tuyên Quang. Cuối thế kỷ trước, Tràng Đà trù phú, lặng lẽ, như một nét chấm phá cổ trang thơ mộng bên sóng nước Lô giang. Mỗi hoàng hôn, hàng trăm chiếc thuyền độc mộc neo bờ, gác mũi xếp nghiêng, dài gần cây số. Đàn ông cởi trần, vá lưới hoặc sửa sang, xếp đặt đồ nghề, ràng cột bay chèo. Đàn bà vo gạo nấu cơm, làm bữa. Trẻ con tắm sông, tập bơi tập lặn. Khói bếp từ làng chài Tràng Đà bay lên lơ lửng, ngoằn ngoèo trên nền chiều xanh mờ bóng núi.
Mỗi sớm tinh mơ các ngư phủ ngược lên sông Gâm, hoặc xuôi xuống Na Hang, Chiêm Hóa, bắt đầu một ngày săn bắt trên sông. Vợ chèo thuyền, chồng quăng lưới. Những bắp tay cuồn cuộn như chão song mây, những vồng ngực săn chắc màu đồng thau, tung lên trời hàng ngàn mắt lưới lung linh ánh nắng ban mai.
Vạn chài Tràng Đà thời hưng thịnh trên 300 hộ, 1.500 nhân khẩu, thường là bà con cùng dòng họ, bản quán rủ nhau về đây lập nghiệp. Ngư phủ Tràng Đà có kinh nghiệm gia truyền năm sáu đời đánh lưới, xẻo, cụp, thả nắn, tra câu…, trên sông nước miền sơn cước.
Sông Lô xa xưa là con sông giàu có thủy sản bậc nhất vùng Đông Bắc. Ở đây có những loài cá cực kỳ quí hiếm như cá dầu xanh, cá anh vũ, cá chiên, cá lăng. Anh vũ sống ở tầng nước sâu, trong các hang đá. Đó là loài cá có sụn môi dày như mõm heo, màu ánh vàng, vảy như cá chép, hàm lượng dinh dưỡng cao. Cá lăng thượng nguồn sông Lô thịt thơm ngon hơn cá lăng ở ngã ba Bạch Hạc, Hồ Tây. Riêng cá dầu xanh sông Lô thịt chắc, ngọt và có hương vị khác hẳn cá dầu xanh sông Đà, sông Bưởi. Ông Hồ Lôi là tay săn cá anh vũ cự phách, giữ kỷ lục suốt 2 thập kỷ 1940, 1950. Với biệt tài bơi dai, lặn sâu, trực giác nhạy cảm, ngư phủ Hồ Lôi thời trai trẻ khi xuôi dòng tới tận Đoan Hùng, lúc ngược sóng lên tới sông Gâm, tìm bắt được hàng trăm con cá anh vũ. Kỷ lục của Hồ Lôi, ở làng chài Tràng Đà đến nay chưa có ai phá được.
Sông Lô là con sông rừng, nước có màu xanh của lá nứa non, sóng gợn những đường cong đồi núi. Gái các làng chài dọc sông Lô có đôi mắt hoang lạ của sơn nữ, có dáng eo thon, mềm mại của tiên cá, góp phần làm nên danh tiếng “Trà Bắc Thái, gái Tuyên Quang”. Thuở xa xưa, Tràng Đà cũng là miền gái đẹp nổi tiếng, từng góp cho xứ Tuyên những gương mặt hoa khôi sông nước.
Vạn chài thời xa vắng – Ảnh: Trần Ngọc Thọ
Làng chài Tân Thịnh thuộc xã Cổ Đô huyện Ba Vì, dưới chân cầu Hòa Bình, bên sông Đà là một làng chài nhỏ chỉ có 57 hộ (206 nhân khẩu). Ngư phủ Tân Thịnh không chỉ có kinh nghiệm thả lưới, giăng câu mà còn rất giỏi đánh cụp, thả rọ trên dòng Đà giang. Tân Thịnh không những nổi tiếng về các loại thủy sản họ đánh bắt được từ sông nước của núi rừng Tây Bắc mà còn được người dân trong vùng biết ơn bởi nghĩa cử hào hiệp, nhân văn đối với đồng loại. Ngư phủ Tân Thịnh xem việc thu gom người bị đuối nước trôi dạt trên sông là hành vi tu nhân tích đức. Đà giang vốn là con sông hung dữ, thường gây nguy hiểm tính mạng cho không ít người ở các tỉnh thượng nguồn. Khi nghe tin báo có xác người đuối nước trôi dạt về khúc sông này là cả làng chài Tân Thịnh huy động những ngư phủ có sức khỏe, kinh nghiệm, giăng lưới câu ở những vị trí “nhạy cảm” nhất. Ông Chu Văn Đức một ngư phủ có biệt tài “cướp cơm hà bá”, có lần ông lưới được 4 thi thể nạn nhân trong một ngày. Có năm làng chài Tân Thịnh vớt được cả trăm xác người chết trôi sông. Năm 1989, xảy ra vụ đắm đò thương tâm ở Phú Cường, huyện Ba Vì, chỉ trong một ngày, ngư dân Tân Thịnh đã vớt được 20 thi thể xấu số, giao lại cho gia đình của họ mang về mai táng.
Vạn chài Cửa Hà, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, nay chỉ còn 173 hộ, nhưng quá khứ thời vàng son của nó không hổ danh với dòng “sông Mã gầm lên khúc độc hành” trong bài thơ “Tây tiến” nổi tiếng của Quang Dũng.
Dòng chảy của sông Mã như ngựa phi nước kiệu. Đó là con sông hung dữ, kiêu bạc, lãng tử nhất Việt Nam, hơn cả sông Đà. Sông Mã có bốn địa danh được coi như tử huyệt mà khách hảo hán giang hồ phải vượt qua, nếu muốn chinh phục nó. Đó là Chảy Xuội, Chảy Cả, Chảy Long và Ngốc Cùng. Làng chài Cửa Hà nằm trên đoạn sông Mã chảy qua cuối làng Ngốc, đầu làng Cùng.
Đoạn Ngốc Cùng của sông Mã chảy dưới chân núi Cửa Hà có vách núi dựng đứng như vách hang yến ở cù lao Chàm. Ngay dưới sóng nước Ngốc Cùng là những sống đá răng cưa lởm chởm từ chân núi Cửa Hà vươn ra, giăng sẵn, như những con cá sấu hoa cà khổng lồ, nuốt chửng mọi thuyền bè qua lại bất cứ lúc nào.
Ở Ngốc Cùng còn hay xảy ra những cơn sóng thần bất chợt trong mùa mưa bão. Năm 1999, ở đây xảy ra cơn sóng thần khủng khiếp do lở đá từ sườn núi Cửa Hà. Mấy chục bè nuôi cá của ngư dân trong phút chốc bị hất tung lên bờ. Những chiếc thuyền vãng lai, trọng tải gần chục tấn bị bẻ gẫy đôi trong tích tắc…
Tuy nhiên, dân làng chài Cửa Hà vẫn chung sống hòa bình với Ngốc Cùng hàng trăm năm nay vì cảnh quan Ngốc Cùng có vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng và dồi dào nguồn thủy sản. Cá vện, cá trôi, cá dây, cá ních, cá ké…là những sản vật nổi tiếng của Ngốc Cùng. Đặc biệt là cá măng, có con nặng nửa tạ, thịt thơm, ngọt, béo như cá bông lau Vàm Nao.
Ngư phủ Cửa Hà cha truyền con nối, chẳng những giỏi nghề săn bắt trên sông nước mà còn có sức vóc, bản lĩnh phi thường mỗi khi phải đối mặt với sóng to, thác dữ. Trong số những “người hùng sông mã” của làng chài Cửa Hà, U70 Nguyễn Thế Ngọ được xem là “dị nhân” số 1. Ông là người đã nhiều lần chinh phục thành công 3 thác hung dữ nhất trên thượng nguồn Mã giang là thác “Con Gái”, thác “Tam Chung” và thác “Quang Chiểu”.
Tràng Đà, Cửa Hà, Tân Thịnh…, là những vạn chài bán sơn địa có cảnh quan kỳ vĩ, phóng đãng, hoài cổ như những bức thủy mặc, khiến lữ khách qua đây, dù “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” !
Lay lắt bên sông
Sông ru người, nuôi người nhưng lại bị người phụ bạc. Nạn phá rừng, khai thác cát, nước thải chất công nghiệp độc hại, nạn đánh bắt tận diệt nguồn thủy sản, đang hủy hoại những con sông, những làng chài đẹp như cổ tích.
Làng chài Cao Bình xã Hồng Tiến huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình hiện có 120 hộ (757 nhân khẩu) là làng chài có bình quân đầu người trong một gia đình ngư phủ đông nhất đồng bằng sông Hồng. Do quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ”, “có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”, đại đa số mỗi cặp vợ chồng ở làng chài Cao Bình đẻ năm sáu con, có cặp đẻ 13 con. Cuộc sống của dân chài Cao Bình mỗi ngày một khó khăn, nghèo túng, chủ yếu do nguồn nước ô nhiễm nặng, thủy sản ngày càng cạn kiệt, thu nhập không đủ chi phí cho cuộc sống tối thiểu hàng ngày, thiếu vốn để tái đầu tư phương tiện hành nghề.
Nghèo đói sinh ra thất học. Thất học sinh ra lạc hậu, tệ nạn, nghèo đói. Cái vòng luẩn quẩn ấy đeo bám làng chài Cao Bình mấy chục năm nay. Ngư dân Cao Bình 85% không biết chữ, phải dùng tay điểm chỉ vào hồ sơ, giấy tờ. Trong số hơn 200 trẻ đủ tuổi đến trường chỉ có 69 em được đi học, trong đó có 51 học sinh tiểu học, 18 học sinh trung học cơ sở, không có học sinh trung học phổ thông. Vợ chồng ông Tỵ bà Liêm cùng 13 đứa con chen chúc trên 6,5 mét vuông thuyền chài, chỉ có một con được học hết lớp 3. Ngư nữ Cao Bình cứ khoảng 15 tuổi đã lên “thuyền hoa” và ngay năm sau đã lãnh thiên chức làm mẹ, con cái “tay xách nách mang”, tiếp tục sinh dưỡng thế hệ nghèo đói, thất học mới!
Làng chài Điềm Khê thuộc xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ở ngã ba sông Đáy – sông Hoàng Long, ngay chân cầu Gián Khẩu. Ba mươi năm trước, Điềm Khê tuy không giàu có, nhưng no đủ, yên bình. Sông Đáy và sông Hoàng Long là hai con sông đào, xinh như mộng, thuộc vào loại mỹ giang nhất nhì châu thổ Bắc Bộ. Khi dòng nước còn trong lành, cá tôm của hai con sông này đủ nuôi sống cho hàng ngàn ngư dân của hàng chục vạn chài hai bờ. Vào mùa mưa, cá tôm từ Đà giang, Hồng hà xuôi về, từ cửa Ninh Cơ, Ba Lạt ngược lên. Trắm, trôi, chép, rói, nheo, ngạo, mè, cua ra, rạm, tôm trứng…, sinh sôi nảy nở thành bè đàn, mùa gối mùa, tha hồ cho ngư phủ giăng lưới, thả câu… Hiện làng chài này chỉ còn 34 hộ (129 nhân khẩu), chưa bằng một phần ba thời Điềm Khê hưng thịnh. Mỗi ngày không kiếm nổi trăm ngàn để mua gạo, rau, muối…, cho cả gia đình, nhiều ngư phủ như anh Thắng, anh Đông, anh Đức…, buộc phải lên bờ làm thuê, đắp đổi qua ngày, bất đắc dĩ trở thành dân “lưỡng cư”, ngày trên cạn, đêm trên nước!
Làng chài Nguyệt Đức thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, bên sông Cầu. Dòng sông này vốn là dòng sông của thơ ca, nhạc, họa, hai bờ xinh như mộng. Bởi vậy, đã có một thời xa vắng, Nguyệt Đức như vành trăng non đầu tháng, lãng mạn, trữ tình, dạt dào sức sống “Với khói bay trên sông, gà gáy trưa bên sông. Một trưa nắng cho bao tâm hồn…”. Bây giờ Nguyệt Đức như trăng cuối tháng, bàng bạc, vật vờ, ngái ngủ lúc nửa khuya. Án ngữ đoạn sông Cầu dài hơn 2 km, làng chài Nguyệt Đức, hiện có 174 hộ (1800 nhân khẩu). Cũng như những con sông khác ở Việt Nam, sông Cầu cũng đang tình trạng ô nhiễm nặng, cá tôm thưa dần. Cuộc sống chật vật thiếu thốn, khiến 50% trẻ em vạn chài Nguyệt Đức phải bỏ học giữa chừng.
Cùng với Cao Bình, Điềm Khê, Nguyệt Đức, hàng chục làng chài khác trên cả nước cũng đang trong cảnh “chợ chiều” như Bình Nhật (Long An), Thủy Tú (Đà Nẵng), Vân Trình (Huế), Đại Cường (Quảng Nam), Phúc Xá (Hà Nội), Phù Vân (Hà Nam), Bình Lợi (Sài Gòn)… Những ngư phủ một thời hải hồ sóng nước, vui thú sông hồ bây giờ chồng chất lo toan, vời vợi nỗi niềm. Kẻ biệt xứ, kiếm tìm mưu sinh nơi đất khách, người khao khát lên bờ có mảnh đất cắm dùi. Cũng có người may mắn, tích góp được ít vốn liếng, vay thêm ngân hàng, chuyển đổi hẳn sang nghề nuôi cá bè, cá lồng…
Không biết bây giờ còn bao nhiêu ngư phủ của những làng chài cổ xưa, sống được bằng chính nghề giăng lưới, thả câu trên sông hồ, và bao nhiêu ngư phủ đã bỏ nghề phiêu bạt, tha hương quê người? Rồi một ngày nào đó, có lẽ không chỉ ngư phủ, mà những người Việt Nam “quá nửa đời người phiêu dạt”, sẽ “lại về úp mặt vào sông quê” mà nhớ thương những vạn chài thời xa vắng!